Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

Thực dưỡng Gạo lức muối mẻ số 7, cái chết thầm lặng?

http://www.benhvienthongminh.com

VÌ SAO THỰC DƯỠNG HIỆN ĐẠI LÀ CÁCH ĂN AN TOÀN ĐỂ CẢI THIỆN SỨC KHỎE? Để dể dàng hiểu lý do vì sao TD Hiện Đại là cách ăn tốt và an toàn nhất cho đại đa số chúng ta, Long Trần sẽ chứng minh những bất lợi của cách ăn kiêng Gạo lứt Muối mè. Sau đây là bài viết đánh giá mang tính chất Khoa Học về Phương pháp Gạo Lứt Muối Mè Số 7.

Cho dù bạn là người tình cờ đọc được hay là thành viên riêng của Group Cộng Đồng Thực Dưỡng này, có bệnh hay chỉ muốn giữ gìn sức khỏe, giúp ích người thân, bạn bè thì nên cố gắng dành một khoảng thời gian quý báu của mình để đọc thật kỹ và suy ngẫm về các kiến thức và kinh nghiệm được chia sẻ tại đây. Nó là xương máu, là mồ hôi nước mắt, là sức khỏe và tiền bạc đã mất đi của Long Trần (LT). Là kinh nghiệm, trải nghiệm, là bao nhiêu giờ LT cặm cụi đọc sách giữa đêm khuya… Với tình thương chia sẻ với Cộng Đồng, người bệnh và lòng biết ơn vô tận với PP TD, các đấng thiêng liêng, LT không thể vô tâm im lặng trước sự mất mát đáng thương của nhiều người vô tội, sa vào bẫy lưới của tử thần mệnh danh số 7 GLMM. Có đến đường cùng, tận số hay không, bệnh nhân cũng còn là con người và họ có quyền hiểu biết một cách logic, Khoa Học trước khi tự lựa chọn cách chữa bệnh cho chính mình.
Thay vì lao vào số 7 một cách mê tín dị đoan như con thiêu thân, bạn hãy chịu khó đọc và tìm hiểu thật kỹ vì đây có thể là chìa khóa vàng để giải thích được nhiều khúc mắc, giúp bạn hay người thân thoát khỏi hoạn nạn, không phải chịu cảnh tiền mất tật mang hay cái chết thảm thương… Còn lại tin hay không tin là quyền của từng cá nhân, nhưng ít ra tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm, không còn bứt rứt thân tâm khi đã hoàn thành những điều mình từng mong muốn từ lâu nay. Mặc dù tốn rất nhiều công sức và thời gian, nhưng theo yêu cầu và mong đợi của tất cả thành viên của Trang Cộng Đồng Thực Dưỡng, LT cũng cố gắng chia sẻ những kiến thức về thực dưỡng số 7 và xin lấy tên bài là: “GẠO LỨT SỐ 7, CÁI CHẾT THẦM LẶNG”

Thắm thoát 10 năm đã trôi qua, do bệnh tật và nhờ duyên lành LT đã tiếp cận phương pháp Thực Dưỡng nhờ sự gia hộ của Phật Pháp và trải nghiệm trên chính bản thân. Vài năm về trước một vài người quen thân đã gợi ý chia sẻ kiến thức thành sách vở hay trên mạng để giúp đỡ mọi người. Mãi đến nay LT mới quyết định thực hiện bài viết vì tự đánh giá kiến thức cùng kinh nghiệm mình khá ổn nên mạnh dạn lên tiếng. Tuy không có súng loại nặng nhưng LT cũng có vật phòng thân để ra chiến trường của Cộng đồng mạng và công chúng.
Bài viết sau không thể tránh khỏi những va chạm cá nhân và một vài nhóm người khác. Nhưng có lẽ đây là thời điểm phù hợp nhất để lên tiếng vì quá nhiều người phải chịu hậu quả thê thảm: từ sảy thai, ốm trơ xương, bạn bè xa lánh, mất việc thậm chí mất sinh mạng, con mồ côi cha mẹ… Nhiều người đã tin tưởng hết lòng vào giáo lý số 7 nhưng cái chết đã đến trước khi bệnh tật được đẩy lùi!
“Số 7” Quá Tuyệt Vời Nên Người Phương Tây… Không Ăn

“GẠO LỨT SỐ 7, CÁI CHẾT THẦM LẶNG”
Một chủ đề nghe có vẻ hấp dẫn nhỉ? Đúng thế! Vì nó đã làm sôi động toàn thế giới từ Mỹ đến Pháp hàng chục năm về trước kế đến là Việt Nam chúng ta. Chủ đề đã gây bao nhiêu sự tranh cãi, tốn hàng giờ tranh luận, nhiều mực để viết và công sức….
Thuyết Thực dưỡng thời Bác sĩ Hufeland người Đức vào thế kỷ thứ 18 được làm mới và phổ biến lại cho toàn thế giới bởi Georges Ohsawa (1893-1966) nhất là tại Châu Âu, Pháp. Sau năm 1950 với sự khuyến khích của Ohsawa, Michio Kushi (1926-2014) là đại đệ tử của ngài, sang Mỹ và hướng dẩn TD, mở rộng cách ăn (âm hơn và đa dạng hóa các món ăn, cách nấu gạo bằng nồi áp suất để cơm được mềm hơn) để việc áp dụng được dễ dàng hơn.
Sau cái chết đột ngột do bệnh tim mạch của Ohsawa vào năm 1966, năm 1975 Michio và vợ Aveline đã tổ chức nhiều buổi thuyết giảng tại Châu Âu đặc biệt tại Pháp và Thụy Sĩ.
Cuộc đời không đẹp như mơ, thay vì chung tay xây dựng và phát triển TD, các nhà lãnh đạo Phương Tây đã lập phe, tách nhóm, phân biệt giữa cách áp dụng TD truyền thống thời Ohsawa, lấy số 7 là chính, ăn dương hơn; và nhóm TD ‘‘Hiện Đại’’ của Michio Kushi, ăn âm hơn. Sự việc đã xảy ra tương tự như tại Việt Nam hiện nay!
Xin thứ lỗi vì đã không nhập đề liền nhưng phải nói về lịch sử một chút để dễ hiểu hơn.
Chủ đề của ngày hôm nay là TD cổ truyền, đặc biệt số 7 Gạo lứt Muối mè, những mặt phải và trái của nó.
Sau một thời gian quan sát, tiếp cận và tham gia nhiều sự kiện trong giới TD VN trên dưới 10 năm, Long Trần (LT) có cảm nhận riêng rằng hiện tượng số 7 (cách áp dụng, truyền bá và hiệu quả của nó) thường xuyên được thổi phồng, thần thánh hóa quá mức bởi một số “bậc thầy” tu hay không, thường là kém học thức, không chịu nghiên cứu hay phổ biến một cách mê tín dị đoan – cuồng tín.
Trong PP TD, số 7 như một học sinh cá biệt, nó luôn lôi kéo sự quan tâm chú ý của mọi người.
Vì sao chỉ đơn giản một thực phẩm như Gạo lứt Muối mè lại có thể khôi phục sức khỏe một cách đáng ngạc nhiên? Thật là huyền bí!!??
Sau một thời gian dài trải nghiệm, mày mò tự chữa bệnh theo các phương pháp tự nhiên vì Y học hiện đại và Y học cổ truyền đã tỏ ra bất lực, Long Trần (LT) đã phải trải qua những giai đoạn mạo hiểm của số 7 trong vòng hai tháng và ngay cả nhịn ăn chỉ uống nước lọc 30 ngày liên tiếp, ăn chay TD khoảng 3 năm… Vài lần suýt mất mạng, từ 64-65kg xuống còn 32kg, da bọc xương, các trải nghiệm sống còn này đã để lại những vết thương hằn sâu trên cơ thể và trong tâm trí của LT. Cơ thể suy kiệt nặng, may thay nhờ những kiến thức khoa học và tiếng Pháp được du học từ bé trong 15 năm, LT đã dốc tâm nghiên cứu sách vở, TD và phi TD để tự cứu mình. Qua nhiều năm học hỏi từ sách vở, từ các bậc tiền bối trong và ngoài nước kèm theo kinh nghiệm bản thân, tư vấn khách hàng… có thể nói hiện nay cách nhìn của LT về TD hoàn toàn khác biệt, vừa đơn giản và khoa học chứ không phải mù mờ hay mê tin dị đoan như trước và như đại đa số người TD lâu năm hay mới nhập môn tại VN.
Vậy LT hiểu thế nào về số 7 hay nói cách khác theo LT là vì sao gạo lứt số 7 đơn thuần lại vừa “chữa” được bệnh, vừa âm thầm giết người?
Trước tiên chúng ta cần phân tích sơ về dinh dưỡng của hạt Gạo lứt và Muối mè:
Hạt gạo lứt bên trong là tinh bột màu trắng đục, bên ngoài lớp cám đỏ (trắng hay đen tím chứa chất đạm, chất béo, chất xơ, chất khoáng, vitamine và một số chất chống oxy hóa. Cụ thể hơn, trong 100gr gạo khô chứa trung bình:  Tinh bột 75gr – Đạm 8gr – Chất béo 3gr – Chất xơ 4gr- nước và nhiều khoáng chất khác nhau (lượng Canxi, Sắt và Kẽm rất thấp). Vitamine C không có, vit A, D, E, K gần như không có, ngoại trừ nhóm vitamine B (B1, B2, B3, B5, B6, B9) tuy nhiên lượng B12 hoàn toàn không thấy. Cuối cùng là các chất chống oxy hóa…
Tham khảo thêm nguồn thông tin về gạo lứt của Pháp:https://informationsnutritionnelles.fr/riz-complet-sec hayhttps://fr.wikipedia.org/wiki/Riz_complet
Trong mục đầu tiên Long Trần sẽ giải thích cơ chế tiêu hóa cơm gạo lứt và tác dụng của những món cơ bản trong cách ăn số 7, kế đó chúng ta sẽ phân tích kỹ hơn về cái lợi và cái hại để dễ dàng nhận xét và đưa ra kết luận cụ thể.

Cơ chế tiêu hóa cơm gạo lứt:

– Tại miệng: Được tiết ra trung bình 1L nước miếng/ ngày nếu chúng ta chịu khó nhai. Khi bỏ hạt cơm vào nhai thật kỹ, tinh bột là nguồn cung cấp năng lượng thiết yếu cho các tế bào, là một chuỗi đường glucose gồm hàng trăm đến nghìn phân tử được tiêu hóa bởi men amylase (có trong nước miếng) tiết ra bởi 6 tuyến nước bọt chính và khoảng 500 tuyến phụ, thành đường maltose (2 glucoses) và maltotriose (3 glucoses), gần giống cấu trúc đường mía. Chúng ta cảm nhận được vị ngọt hơi béo nhẹ nhờ các enzyme của vị giác có trong nước miếng và các tế bào trên lưỡi. Gần hóa lỏng sẽ được nuốt xuống qua ống thực quản khoảng 20-25cm để xuống bao tử.
– Tại bao tử: tác động của men Ptyaline trong nước miếng được tiếp tục, khoảng 20% tinh bột được phân hủy tiếp dưới nồng độ pH=5-7 trong khoảng 30-45 phút với hiệu ứng tampon của thực phẩm, trước khi pH bao tử lên lại rất cao khoảng pH= 1-2 để tiêu hóa chất đạm. Dạ dày tiết trong ngày khoảng 1L axit chlorhydrique, dưới nồng độ axit mạnh, hoạt chất pepsinogene được chuyển hóa thành men pepsine và sự phân hủy protein bắt đầu. Protein được cắt nhỏ thành những chuỗi protein nhỏ gọi là peptide (vài chục axit amine). Xin nhắc lại Proteine được cấu tạo bởi một chuỗi dài gồm 20 axit amine trong đó có 8 axit amine thiết yếu (cơ thể không tự tạo ra được mà phải mang vào) gồm tryptophane, lysine, méthionine, phénylalanine, thréonine, la valine, la leucine et l’isoleucine. Gạo lứt và ngũ cốc lứt thiếu về liều lượng 1-3 loại axit amine mà cả 1-3 đều thiết yếu, gồm lysine, thréonine, isoleucine. Axit amine Trytophane cũng có một lượng rất thấp , vài loại ngũ cốc không có. Cần biết chỉ cần thiếu một axit amine hoặc là axit amine nào liều lượng quá kém thì tất cả axit amine còn lại đều vô dụng. Ở dạ dày chất béo được tiêu hóa nhưng rất kém. Thực phẩm được lưu giữ khoảng 4-5h hay hơn tùy số lượng.
-Tại Ruột non: Chiều dài trung bình 5-6m, dưới tác động của axít dạ dày tại bao tử, các hoocmon Cholecystokinine, Pancréozymine và Sécrétine được tiết ra ở khúc đầu của ruột non (khoảng 30cm) còn được gọi là Duodenum. Các hoocmon này sẽ theo thứ tự kích thích sự giải phóng các men tiêu hóa tiết ra bời gan (mật), tụy và đường ruột. Gan sẽ tiết men lipase (1L/ngày) theo ống mật. Tụy tạng theo ống dẫn Wirsung và Santorini sẽ tiết các men tiêu hóa ( 1L/ngày): amylase (tinh bột), trypsine (đạm), lipase (chất béo), và ruột non cũng tiết 3 loại men tiêu hóa như tụy với liều lượng trung bình 1L cho mỗi mét ruột non tức 5-6 L/ngày
Sau khi được hóa lỏng hoàn toàn và phân nhỏ, thực phẩm bây giờ sẽ từ từ đi qua 5-6m ruột non để được hấp thụ qua các mao trạng ruột có độ dày khoảng 4/100mm, diện tích khoảng 300m2 và rộng như một sân chơi Tennis. Ruột non sẽ thanh lọc rất kỹ và loại bỏ bớt tạp chất. Những thực phẩm không được hấp thụ trong đó có chất xơ cellulose (một loại đường mà cơ thể không có khả năng tiêu hóa) sẽ được chuyển xuống đại tràng. Ruột non không chứa vi khuẩn trừ phần cuối với lượng rất thấp. Thực phẩm được lưu giữ khoảng 8-10h.
-Tại Ruột già : Chiều dài khoảng 1,5-2m, các thực phẩm thừa sẽ làm thức ăn cho các vi khuẩn đường ruột, một số sẽ được hấp thu lại. Nếu ta ăn thực phẩm lành mạnh tự nhiên sẽ sinh sôi các lợi khuẩn và ngược lại. Số lượng vi khuẩn ruột già lên đến 100.000 tỷ (10 lần hơn lượng tế bào của toàn cơ thể) và tổng trọng lượng của chúng khoảng 2kg bằng trọng lượng của Gan. Tầm quan trọng của chúng gần đây đã được thừa nhận bởi các nhà Khoa Học trong việc hỗ trợ tiêu hóa thực phẩm còn lại, huấn luyện hệ thống miễn dịch, hỗ trợ tạo ít vit B12 giúp tạo máu và vit K cho sự đông máu…. Phần đại tràng trên chứa các loại khuẩn chuyên lên men tinh bột (lactobacilles , bifidobacterium..) còn được gọi là “Flore de fermentation” và phần đại tràng dưới chứa các lợi khuẩn lên men thịt cá được gọi là “Flore de putrefaction” (clostridies, bacteroides,enterocoques…). Nếu hai hệ vi khuẩn này mất cân bằng sẽ rất dễ sinh bệnh.
Sau khi được di chuyển qua đường tiêu hóa gần đến hậu môn thì các chất dinh dưỡng đã được hấp thu hoàn toàn chỉ còn lại những cặn bã. Lượng nước được hấp thụ lại qua màng ruột già nên phân sẽ rắn lại và có khuôn. Nếu thực phẩm di chuyển bình thường (nghĩa là không quá nhanh hay quá chậm thường là từ 24h-36h), chức năng gan và hệ vi sinh đường ruột được cân bằng (các lợi khuẩn phát triển tốt) thì phân sẽ có màu nâu vì mật chứa chất bilirubine (kết quả của sự phân hủy và tái tạo hồng cầu) có màu vàng xanh nhạt được oxy hóa chậm rãi và phân hủy bởi các lợi khuẩn sẽ dần chuyển màu sậm hơn. Quan sát phân người ăn gạo lứt sẽ thấy những lớp cám còn lại chứng tỏ chúng không được tiêu hóa dù có nhai kỹ đến đâu.
Huyền Thoại Về Gạo Lứt Muối Mè Số 7


Phân tích mặt trái và phải của cách ăn ngũ cốc lứt số 7:

1/ Lợi ích trước mắt:
a/ Cơm gạo lứt hay ngũ cốc lứt:
Khi được nhai kỹ, răng và các men tiêu hóa tại miệng đã thực hiện phần lớn công việc phân hủy và làm nhuyễn tinh bột (phần chính của gạo chiếm khoảng 75%) thành đường 2 phân tử glucose (maltose) và 3 phân tử (maltotriose), hạn chế bớt sự làm việc vất vả của các cơ quan tiêu hóa như dạ dày, tụy tạng và ruột. Tất nhiên bạn sẽ ăn ít đi, số lượng thực phẩm đưa vào cơ thể được hạn chế nên nó đỡ lao nhọc.
-Khi nhai kỹ các tuyến nước bọt sẽ kích thích tiết nước bọt chứa nhiều lợi ích cho cơ thể (sát khuẩn, bổ tạng phủ, bổ thận và kích thích hệ thống miễn dịch…)
-Khi giảm tiêu thụ lượng chất béo và đạm, tiêu hóa sẽ nhanh và nhẹ hơn. Vì chất đạm đòi hỏi năng lượng khá nhiều để tiêu hóa nó (khoảng 30% lương calorie ăn vào sẽ tiêu hao trong việc tiêu hóa đạm).
-Thận là một cơ quan rất quan trọng trong cơ thể chúng ta.
Theo Đông Y, Thận chủ về thần, tuổi thọ, là nguồn năng lượng sinh học…
Theo Tây Y, nó giúp thanh lọc máu (khoảng 1500L/ngày), bài tiết chất độc qua đường tiểu, điều chỉnh huyết áp và lượng khoáng… Ngoài ra nó còn tiết nhiều hoocmon để điều hòa các chức năng trong cơ thể như Erythropoietine tạo máu, Cortisone kháng viêm, Adrenaline khi bị stress, gặp tình huống nguy kịch để chạy trốn hay chiến đấu, Rénine chuyển thành Angiotensine để điều hòa lượng nước tức huyết áp, Testosterone – chức năng sinh dục, sản sinh Calcitriol vitamine D và cuối cùng là điều hòa lượng Ka/Na (Potasium/ Sodium) bởi hoocmon Aldosterone.
Thuyết Thực Dưỡng được nhấn mạnh bởi bác sĩ Quân Y – Sagen Ishizuka (thầy của Ohsawa) dựa trên sự điều hòa của lượng K/Na trong cơ thể. Trong tế bào chứa Potassium ‘K’ và ngoài tế bào chứa Sodium ‘Na’. Khi trị số K/Na = 5 thì cơ thể khỏe mạnh. Gạo lứt có trị số là gần sát 5 (4.9) và Thận không phải tiết Aldosterone nữa!
– Một người ăn số 7 thường được hướng dẫn theo các sách TD như “Ăn Gạo lứt muối mè” của Ngô Thành Nhân… dùng 3 chén cơm/ngày nấu từ 1 lon gạo khoảng 250gr là tối đa. Biết rằng 1gr tinh bột cho 4 calories, chúng ta có được với 250×4=1000 calories. Thêm lượng muối mè vào từ 2-3mcf/ngày thì lượng calorie không tăng quá 1100 calories, như thế là quá thấp so với số calorie tối thiểu được khuyến cáo là 2000 calo/ngày bởi Tổ Chức Y Tế Thế Giới, để duy trì thể trọng. Khi phải nhai cơm thành nước, hiển nhiên lượng thức ăn sẽ giảm đi rất nhiều. Thiếu lượng calorie tổng quát cơ thể hy sinh cơ bắp và lượng mỡ thừa để tạo năng lượng. Tế bào mỡ chứa nhiều độc tố nên khi đốt cháy để tạo năng lượng sẽ giải phóng chất độc và chất độc được loại bỏ bởi các cơ quan thanh lọc, giúp cơ thể trong sạch hơn từ đó sức khỏe gia tăng.
– Ngày nay người ta có xu hướng ăn uống quá độ, cả hai hệ vi sinh type Fermentation và Putréfaction trong đại tràng đều phát triển quá mức cho phép. Lượng Vi khuẩn Putrefaction do thịt cá thường vượt trội hơn loại Fermentation từ men tinh bột, nên sinh bệnh. Từ sự mất cân bằng này gây ra rối loạn thành bệnh, người ăn số 7 nhai kỹ và ăn ít nên thực phẩm thừa để nuôi vi sinh ở đường ruột già gần như không có, lượng tỷ vi khuẩn tổng quát giảm nhanh chóng và ổn định. Cũng thế lượng khuẩn Putrefaction giảm đáng kể để cân bằng lại so với lượng khuẩn Fermentation nhờ gạo lứt! Hệ thống vi sinh được cân bằng, sức khỏe khá hơn.
– Tại ruột non, đường glucose của gạo lứt vào máu sẽ chậm hơn 15 lần so với gạo trắng (30 calories/phút với gạo trắng và 2 calories/phút với gạo lứt), chất xơ cellulose không tiêu hóa được sẽ cản trở sự hấp thụ đường vào máu. Lượng đường tăng chậm nên tụy tạng tiết insulin chậm hơn và được nghỉ ngơi. Vì đường vào chậm và sự đốt cháy nó cũng thế, nên nồng độ axit carbonic sẽ thấp hơn, Phổi sẻ bớt lao nhọc.
– Khi chỉ ăn riêng một loại thực phẩm sẽ không sản sinh các phản ứng hóa học như phản ứng lên men do ăn nhiều loại thực phẩm một lúc. Tiêu hóa xảy ra dễ dàng nên cơ thể dễ chịu hơn. Lên men ‘‘fermentation’’ trong dạ dày dễ tạo độc tố và alcool, … gây suy yếu hệ tiêu hóa và gan. Nghiên cứu khoa học này được công bố bởi bác sĩ Bruno Donatini chuyên khoa tiêu hóa tại Pháp. Cần nhớ là cơ chế hoạt động tạo năng lượng của tế bào ung thư là dùng phản ứng lên men. Hạn chế phản ứng này đi kèm với sự ức chế tế bào ung thư.
– Ăn duy nhất gạo lứt sẽ giúp cơ thể tiết kiệm được các enzyme tiêu hóa, từ đó các enzyme “rảnh rỗi” sẽ giúp dọn dẹp và thanh lọc cơ thể.
– Cuối cùng mấu chốt quan trọng nhất là gạo lứt khi ăn vào, đường glucose của nó cung cấp được kết hợp với các vitamine nhóm B đặc biệt là Vit B1 Thiamine, vitamine B2 Riboflavine và vit B3 Niacine trong lớp cám, được chuyển hóa và đốt cháy hoàn toàn không tạo chất thải. Các chất thải gọi là Purines (acide urique va xanthine, méthylxanthine có thể được kiểm tra qua xét nghiệm máu) được tạo ra khi chúng ta ăn bất kỳ một loại thực phẩm nào cho dù là sản phẩn đó là sản phẩm hữu cơ.
Để dễ so sánh, sau đây lượng chất thải (trung bình) Purines trong 100gr của vài loại thực phẩm:
-Thịt nạc hay cá: 150mg, Đậu các loại: 180-220mg, Càphê:
1000mg, Carotte: 5mg, Gạo lứt: 0mg
b/ Muối mè:
Mục đích chính của muối mè là để cung cấp muối cho cơ thể.
Mè trên 100gr chứa lượng đạm khoảng 20gr; chất béo tổng 50-60gr, chủ yếu các chất béo không no Omega 6 và Omega 9, chất béo no 7gr, vitamine E, ít chất xơ và khoáng như canxi 1gr… Được nghiền và trộn đúng cách với muối hầm, chất béo sẽ bọc hạt muối và dẫn nó vào cơ thể một cách chậm rãi không gây sốc. Muối cung cấp Natri chlorure và một số khoáng, vị mặn nhẹ làm khỏe thận, gia tăng hệ miễn dịch, kiềm hóa cơ thể. Thường lượng muối mè dao động từ 1/12-1/18 và 2-3mcf/ngày.
Hiện nay con người có xu hướng ăn muối quá mức cần thiết, nhất là muối đã tinh chế nên rất có hại.
Muối tự nhiên ở đây được đưa vào với lượng vừa phải và chậm rãi, Thận không phải tiết Aldosterone nên được nghỉ ngơi!
Tham khảo thêm về mè : https://fr.wikipedia.org/wiki/S%C3%A9same
c/ Thức uống:
Trà Bancha, thường được dùng để giải khát, nhiều dương tính, nó giúp lợi tiểu thải bớt chất độc. Nó chứa các chất chống oxy hóa, tanin và fluor… Thường lượng chất lỏng đưa vào dao động từ 1xị (250mL) đến 3xị tối đa khi ăn theo số 7. Uống ít nước sẽ đỡ mệt Thận vì nó ít tiết Rénine!
– Tim sẽ khỏe hơn. Vì sao? Với trung bình 5L máu trong cơ thể, tim phải đập 7000nhịp/ ngày. Uống thêm một lít nước sẽ tăng 20% lượng máu tức tim phải đập 7000×1.2= 8400 nhịp. Uống hai lít tim đập 7000×9800 nhịp và cứ thế! Sau 10 năm 2800x 10= 28.000 nhịp đập thêm. Bây giờ thì bạn đã hiểu ?

d/ Khác:
Bằng cách loại bỏ gần như toàn bộ các hóa chất như phân hóa học, thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trọng, trụ sinh, phụ gia hóa học trong chế độ ăn hàng ngày, người ăn số 7 sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Một số chất hóa học như thuốc tăng trọng, trừ sâu như Glyphosate, bảo quản như Natri benzoate, chất tạo màu như Tartrazine… gây tổn hại đáng kể đến các cơ quan nội tạng như Gan Thận.
Một cô gái hay ăn kiêng và nhịn ăn đê giảm cân và cái kết. Nguy cơ kết thúc của người thực hành ăn kiêng GLMM.
2/ Hậu quả tiềm ẩn:
Quan niệm Khoa Học
a/ Thiếu chất đạm:
Dưới đây tôi sẽ lấy ví dụ lượng gạo ăn mỗi ngày là 500gr tức 6 chén cơm (trong sách khuyên dùng khoảng 1lon 250g/ngày tức 3chén). Tuy nhiên điều này khó có thể xảy ra vì tốn quá nhiều thời gian, nhai thành nước thì khó lòng ăn quá 3-4chén/ngày
-Trong 500gr gạo chứa tối đa 5×8= 40gr đạm (20gr đạm cho 250gr). Các nghiên cứu cho thấy người trung bình cần khoảng 1gr/kg nghĩa là người 50-60kg cần 50-60gr đạm. Người ăn số 7, nếu ăn đúng hướng dẫn sẽ thiếu từ 2-3 lần lượng đạm cần thiết, còn ăn nửa kg gạo thì vẫn bị thiếu. Không những thiếu lượng đạm tổng quát, điều quan trọng hơn là gạo lứt hay ngũ cốc lứt còn thiếu về số lượng 3 axit amine thiết yếu đi đôi với việc tổng lượng đạm ăn vào sẽ không được hấp thụ và sẽ gần như bị đào thải hoàn toàn!
Ăn Chay Có Thiếu Protein Không?

Tôi xin nhắc lại vai trò của đạm: Đạm đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể chúng ta, để dễ hình dung: nó như các sườn sắt và trụ bêtông khi xây một ngôi nhà, giúp cơ thể đứng vững vàng. Nó cấu tạo tóc, lông, móng, xương, cơ bắp, tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu), hoocmon và các enzyme tiêu hóa.
-Các tế bào ruột còn được gọi là “entérocytes” tiêu thụ nhiều đạm, chất béo không no Omega 3 và các khoáng chất như Kẽm… Ruột với 100 triệu tế bào thần kinh, có tầm quan trọng và cần lưu ý vì nó là nơi tập trung của gần 70-80% hệ miễn dịch và tiết ra khoảng 20 hoạt chất có trong não. Các thí nghiệm cho thấy mỗi tế bào ruột chỉ sống được từ 2-7 ngày tối đa, sau đó sẽ được thay thế và ruột non được tái tạo trong vài tuần (3-4 tuần).
Thực phẩm ăn vào sẽ trực tiếp nuôi dưỡng các tế bào đường ruột 60-70%, 30-40% còn lại là từ máu. Vì thế ăn uống không đúng đắn, thiếu dinh dưỡng sẽ làm chết nhanh chóng các tế bào ruột.
Khi ăn kiêng số 7, thiếu ăn đặc biệt là chất đạm, trong thời gian đầu cơ bắp sẽ teo trước tiên để cung cấp lượng đạm duy trì hệ thống miễn dịch, sự sinh tồn của tế bào ruột, các men tiêu hóa và một số chức năng cơ bản nhất. Người bệnh sẽ xuống cân, teo cơ, giảm sức đề kháng nên dễ nhiễm bệnh, thiếu máu, rối loạn nhiều chuyển hóa, khó tiêu, loãng xương và suy kiệt dần. Đường ruột sẽ hư hỏng hoàn toàn hay không tùy vào thời gian thực hành số 7. Khi ăn rộng ra sẽ gặp các phản ứng khó chịu, không tiêu hóa được do đường ruột (mao trạng ruột) đã bị tổn thương nên không tiết được 5-6L men tiêu hóa cần thiết trong ngày (gây chướng bụng, đầy hơi, táo bón hay tiêu chảy…)
-Gan đóng vai trò lớn trong việc chuyển hóa thực phẩm như đạm, đường thành đường “glycogène”, đặc biệt chất béo. Trong từng phút giây, gan thực hiện trên 250 phản ứng hóa học. Nếu nó suy yếu nó sẽ không thực hiện được các chức năng thanh lọc độc tố từ ngoài mang vào. Hơn 2500L máu/ 24h qua gan, được cấu tạo bởi những tế bào đặc biệt Kupffer rất hữu ích trong việc bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn độc hại. Tạo máu, và prothrombine giúp đông máu, nó trữ Sắt và vit A, D, B12…. Các enzyme thải độc của Gan gồm Glutathion, Glutathion S Transferase, nhom Cytochrome CYP 450 đóng vai trò cực quan kỳ trọng trong việc thanh lọc và ngừa ung thư… được cấu tạo từ đạm. Mọi hoạt động hay chuyển hóa của Gan cần lượng axit amine đầy đủ, bằng không chức năng gan sẽ suy giảm!
Thiếu đạm Gan sẽ không sản xuất được Transferrine là hoạt chất mang Sắt ( nối kết với Oxy) đến để nuôi dưỡng mọi tế bào trong cơ thế. Cơ thể sẽ hoại tử từ bên trong. GLMM cực đoan sẽ dần dần suy yếu.
Thiếu đạm kèm theo việc giảm chức năng gan cũng dẫn đến việc thiêu máu ( giảm lượng Hb Hémoglobine), suy hệ miện dịch, giảm lượng HDL/LDL vận chuyển Cholesterol, thiếu Fibrinogene của Gan các xuất huyết nội hay ngoài đều khó lành, dễ dẫn đến tử vong nên rất nguy hiểm!!
-Tiêu hóa kém do gan và ruột yếu sẽ dẫn đến việc nhiễm độc toàn bộ cơ thể. Các thực phẩm thay vì được phân hủy thật nhỏ thành một phân tử nay lại tồn tại dưới dạng đa phân tử rất to (ví dụ axit amine và peptide). Làm hư hại đường ruột, vào máu sẽ làm suy yếu tất cả tạng phủ nhất là thận, gây ra các triệu chứng như phù chân, sưng mắt, viêm đường tiểu, tiểu ra máu, huyết trắng, bệnh cũ trở lại và có thể dẫn đến việc hình thành các khối u… và cứ thế vòng lẩn quẩn này tiếp tục. Một số người may mắn không tử vong như trường hợp Long Trần nhưng dần dần cơ thể suy nhược, yếu đuối rất khó khôi phục. Những người đã từng trải nghiệm thật sự hay có kinh nghiệm có thể dễ dàng tự nhận biết các hiện tượng trên.
-Thiếu axit amine Tryptophane, lượng hoạt chất Serotonine (neurotransmetteur) tiết ra tại ruột và não bộ không sản sinh. Sự hấp thụ của nó còn tùy thuộc vào lượng đường fructose mà trong gạo lứt không có. Tryptophane là nguồn gốc của nhiều các hocmon Ghréline và Leptine (cảm giác đói no), hocmon Valentonine và Mélatonine, Harmalan (điều hòa giấc ngủ, bảo vệ tế bào thần kinh và thức giấc)… Hoạt chất Sérotonine còn giúp chúng ta cảm giác hạnh phúc vui tươi, hưng phấn, yêu đời…
Thiếu Tryptophane cơ thể sẽ dần dần bị các bệnh hệ thần kinh như mất ngủ, trầm cảm, buồn bã, bứt rứt, rối loạn cảm xúc…
Ngoài ra còn rối loạn các cảm giác đói no. Điều này dễ thấy ở các người cực đoan số 7, tính tình xấu xa hay nói dối, cảm thấy bất hạnh, trầm cảm… và họ còn rất tham ăn, ăn hoài không biết no, đói liên tục… Hãy quan sát những người ăn theo số 7 “tiền bối” họ ăn như người mới thoát nạn đói! Một số người sẽ lý luận rằng cơ thể có khả năng chuyển biến chất này thành chất kia. Xin thưa, trong một số trường hợp như các loại axit amine thiết yếu nó không thể nào thực hiện được.
-Thiếu đạm, axit dạ dày sẽ tiết ra ít hơn từ đó các bệnh nhiễm khuẩn như HP Pylori tại bao tử, nhiễm khuẩn hay nấm đường ruột như Candidas Albican (do ăn nhiều tinh bột, chất ngọt và thiếu đạm) sẽ bùng phát. Ngoài ra việc thiếu axit chlorhydrique sẽ không kích hoạt các hoocmon Cholecystokinine, Secretine và Pancreazymine. Việc tiêu hóa sẽ dần dần kém hơn, gây khó tiêu dẫn đến suy dinh dưỡng và các hậu quả nghiệm trong trên toàn bộ cơ thể.
b/Thiếu Chất béo:
Không thể nào phân tích dinh dưỡng mà không nói đến các chất béo, đặc biệt một số rất quan trọng được gọi là axit béo thiết yếu, không thể tự sản sinh được.
Tôi xin nhắc lại các loại này gồm Omega 3 và Omega 6 còn được gọi là vitamine F. Chế độ số 7 Gạo lứt Muối mè hoàn toàn không chứa chất béo Omega 3- EPA (Acide Eicosapentaénoïque) – DHA (acide docosahexanoique). Theo các nghiên cứu Khoa học của thế giới, đặc biệt của bác sĩ người Mỹ Russel Blaylock chuyên gia hệ thần kinh, chỉ cần thiếu khoảng 2 tuần các loại chất béo này thì bộ não con người đã bắt đầu thay đổi cấu trúc. Chất béo Omega 3 còn giúp giảm viêm, loãng máu hơn, nuôi dưỡng tế bào ruột, ngừa ung thư và bệnh tim mạch.
Vì thế một số người ăn số 7 quá mức thời gian trên nên thận trọng, não bộ có thể bị tổn thương từ đó dẫn đến các vấn đề thần kinh, giảm trí thông minh và khả năng lập luận, cực đoan, nói bừa, mất trí hay trí nhớ sa sút… Huyết áp không ổn định (cao hay thấp), hồi hộp tim…
-Cholesterol mặc dù Gan và Ruột có thể tạo ra khoảng 60-70%, nhưng một chế độ vắng nó lâu dài cũng ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến não bộ. Não gồm 60% là chất béo trong đó khoảng 1/4 là cholesterol. Không những thế các tế bào thần kinh “neurone” liên kết với nhau qua những cấu trúc được gọi là synapse cũng cấu tạo bởi cholesterol. Người số 7 cực đoan sẽ bị các vấn đề về thần kinh dẫn đến việc teo não, trọng lượng não có thể mất lên đến 5%, suy nghĩ chậm chạp do thông tin giữa các tế bào thần kinh neurone bị gián đoạn.
Ngoài ra Cholesterol còn đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc của vitamine D giúp hấp thu các khoáng chất nhất là Canxi và Phosphore, dưới sự cộng hưởng của tia UVB của nắng, cho xương và khớp chắc hơn. Nó còn cấu tạo các màng bảo vệ của mọi tế bào trong cơ thể. Được chuyển hóa thành Pregnenolone sau đó thành các hocmon Steroide và Sterols như Cortisol ( kháng viêm), Androgène (hocmon sinh dục như Testosterone, DHEA của Nam giới) và Oestrogene, Progesterone của Nữ giới… Các nghiên cứu Khoa Học cho thấy nếu Cholesterol xuống dưới mức cho phép thì nguy cơ ung thư tăng khá cao. Thiếu nó sẽ sinh ra những bệnh loãng xương, rụng răng, bệnh khớp, suy nhược cơ thể, chức năng sinh dục, giảm khả năng kháng viêm và ung thư. Rất nhiều người cực đoan số 7 bị tình trạng này.
-Thiếu chất béo no: trong 1 lon 250gr gạo chứa trung bình 2gr và 2-3mcf muối mè chứa trung bình 10gr mè tương đương với 1gr chất béo no. Lượng chất béo no trung bình cần thiết là 10-20gr/ngày tức ít hơn 5-10 lần. Gan với enzyme saturase phải làm việc nhiều để chuyển đổi các axit béo không no thành chất béo no. Ở người bệnh gan đã yếu, việc chuyển hóa này không xảy ra. Chất béo no chuỗi dài là một trong những thành phần cấu tạo các tế bào não. Người cực đoan số 7 sẽ bị các vấn đề về thần kinh.
-Không những thiếu một số chất béo, mè còn chứa axit béo Omega 6 rất tai hại cho các bệnh nhân viêm khớp, u bướu, ung thư… nếu không biết sử dụng liều thích hợp.
-Cũng thế trong đa số các loại ngũ cốc đặc biệt là Gạo lứt chứa nhiều Omega 6 acide linoleique dễ gây viêm sưng, gia tăng kích cở khối u… Ngày nay con người có xu hướng dùng từ 20-30 lần hơn, gây sự mất cân bằng giữa lượng Omega 3-6 ở mức bình thường có thể giao động từ 1/1-1/5 nay tăng lên 1/20-1/30. Bệnh nhân trong thời gian đầu sẽ cảm nhận khỏe hơn do cơ thể giảm trọng lượng, được nghỉ ngơi và thải độc. Tuy nhiên sự mất cân bằng ban đầu của lượng Omega 3-6 không được giải quyết và về lâu dài sẽ ngày càng trầm trọng hơn với việc tiêu thụ quá cở các loại ngũ cốc hay chế phẩm của nó, dẫn đến việc tái phát bệnh hay sinh thêm những bệnh mới. Mọi sự mất cân bằng trong dinh dưỡng đều là nguyên nhân gây bệnh.
Omega-3 Từ Thực Vật Hay Động Vật?

c/Thiếu Vitamine:
-Vitamine C: Không có hoàn toàn! Là chất chống oxy hóa rất mạnh, giúp tăng cường hệ miễn dịch, ngừa ung thư, làm bềnh vững các mạch máu, tăng hấp thụ chất sắt… Thiếu sẽ thường xuyên cảm cúm, dễ chảy máu cam, răng và thiếu máu, yếu không ra gió được.
-Vitamine A: Rất thấp dưới dạng Betacaroten. Sự chuyển hóa thành vitamine A chỉ làm được khi lá Gan khỏe mạnh. Tuy nhiên Vitamine A có thể dự trữ được trong Gan dưới dạng Retinol. Cũng như vit C, nó giúp tăng sức đề kháng, hấp thu chất sắt, làm sáng mắt. Người ăn số 7 lâu dài, thị lực sẽ giảm dần, không nhìn thấy rõ nữa do dự trữ vit A ngày càng cạn kiệt (Bác Trần Ngọc Tài từng bị).
-Vitamine D: Chế độ số 7 thiếu Cholesterol như đã nêu phía trên từ đó lượng vitamine D cũng bị thiếu hụt dần dần dẫn đến bệnh rụng răng, loãng xương.
-Vitamine B12: Còn gọi là Cobalamine do hàm lượng Cobalt màu đỏ tượng trưng cho nó. Giúp tạo máu, cân bằng hệ thần kinh, tái tạo các Gene DNA va RNA, phân chia tế bào… Dự trữ của nó nằm trong Gan, Tụy, Não… Tuy nhiên thiếu nó lâu dài trong chế độ ăn cực đoan số 7 sẽ sinh bệnh thiếu máu, tắt kinh nguyệt, da sạm, người xanh xao và suy nghĩ trở nên bất bình thường !!!
Article Image
d/ Thiếu Khoáng chất:
Theo bảng phân tích lượng Canxi Ca, Sắt Fe và Kẽm Zn thiếu sẽ sinh lần lượt bệnh về xương răng, móng, thiếu máu, suy giảm hệ miễn dịch ( Zn), sinh dục và chức năng não bộ ( Zn và Ca)
Gạo lứt và ngũ cốc lứt chứa Axit Phytic, Lectine, Saponine là các chất chống oxy hóa, ngừa ung thư khá tốt. Tuy nhiên mặt trái của nó là ngăn chặn hấp thụ dinh dưỡng. Axit Phytic với nhóm Phosphore có điện tích Âm sẽ dễ dàng nối kết với các khoáng chất như Kẽm, Sắt, Magnesium, Canxi có điện tích Dương…để bị đào thải, từ đó nhiều chức năng của cơ thể sẽ bị rối loạn. Các enzyme tiêu hóa không thể hoạt động do thiếu khoáng. Thiếu khoáng thì tất cả các Vitamine ”co-enzyme” cũng vô dụng. Trong khi Lectine và Saponine có su hướng gây hư hỏng, viêm màng ruột, phá tế bào máu vì bản chất của chúng là chất ”thuốc trừ sâu” tự nhiên.
Cực đoan GLMM sau một thời gian, sẽ bị khó tiêu, không tiêu hóa được thức ăn dẫn đến suy nhược teo tóp, thiếu máu, sinh nhiều chất độc nên cơ thể lúc nào cũng mỏi mệt, suy giảm chức năng gan thận, yếu sinh lý, trí nhớ kém..
e/ Thiếu chất xơ :
Chất xơ không hòa tan có với lượng trung bình 3gr/100gr . Trong 1 lon gạo chứa 2.5×3= 7.5gr. Lượng chất xơ cần thiết để tránh tình trạng táo bón, nhất là nuôi hệ vi sinh đường ruột là 25-30gr. Thiếu xơ sẽ bị táo bón và suy giảm lượng lợi khuẩn dẫn đến hệ miễn dịch kém. Táo bón rất nguy hiểm, không những gây khó chịu, nó còn là nguyên nhân của hàng nghìn loại bệnh trong đó có ung thư.
Không phải gạo lứt là thần dược, chất xơ rất cứng không tiêu hóa được sẽ gây tổn thương cho hệ thống đường ruột rất mỏng nhất là ở các bệnh nhân có vấn đề về hệ tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn… trẻ em người già cũng như thế. Hệ tiêu hóa bị tổn thương sẽ dần dần dẫn đến tình trạng suy nhược trầm trọng. Nhưng những thầy lang băm số 7, thiếu hiểu biết thường nhắm mắt nhắm mũi tư vấn Gạo lứt trong bất kỳ trường hợp nào.
f/ Thiếu nước:
Nước là dung dịch quan trọng trong cơ thể chúng ta, nó chiếm từ 50% đến hơn 80% tùy tuổi tác và giới tính. Trong thời gian đầu, thường những người mới nhập môn rất mập mạp, dư nước, họ có thói quen uống nước rất nhiều. Long Trần đã từng tư vấn nhiều người uống đến 4 lít nước hơn/ ngày. Giảm lượng nước thận và tim sẽ cảm ơn. Tuy nhiên sau một thời gian, các triệu chứng thiếu nước sẽ biểu hiện ở nhiều hình thức như tăng huyết áp… Vì sao?
Uống Bao Nhiêu Nước Là Đủ ?

Khi lượng nước nội bào tức trong tế bào bị giảm đáng kể, các nghiên cứu Khoa học cho thấy cơ thể sẽ cố gắng bảo toàn sự sống của tế bào và tiết ra hoạt chất Vasopressine nhằm mục đích siết chặt các mạch máu lại để ép lượng nước còn lại bên ngoài vào tế bào. Dưới tác động siết chặt mạch máu lại của Vasopressine, huyết áp liền tăng một cách đáng ngạc nhiên. Gây choáng váng, hoa mắt… đôi lúc có thể dẫn tới đứt mạch máu não. Rất nguy hiểm!!!
Mỗi ngày trong cơ thể chúng ta được tiết ra trên dưới 10L dịch tiêu hóa bao gồm nước miếng, dịch dạ dày axit chlohydrique, mật ”bile”, dịch tụy còn được gọi là ‘suc pancréatique” và dịch đường ruột ”suc intestinaux” . Các dịch vị này luôn chảy thông suốt, liên tục trong cơ thể mà chúng ta không cảm nhân được. Thành phần chính của nó là nước, còn lại là các men tiêu hóa. Vì vậy thiếu nước thì cơ chế tiêu hóa bị suy giảm đáng kể.
Không khác gì thức ăn, lượng nước cũng vậy phải tùy thuộc vào cá nhân. Cực đoan GLMM số 7 kém hiểu biết sẽ nói uống càng ít càng tốt. Giết người không gươm dao!
Lượng muối mè hay Tamari dùng trong cách ăn số 7 ở lượng quá thấp nên chúng ta sẽ không phân tích lượng calories từ nó.
g/ Khác
-Kinh nghiệm trên thực tế và lý thuyết cho tôi kết luận rằng: Lượng độc tố giải phóng bởi sự tiêu hao mỡ đột ngột sẽ nhanh chóng vào máu, khiến các cơ quan nội tạng vốn đang yếu ớt bệnh tật bị tổn thương nghiêm trọng, trong một số trường hợp dễ gây suy kiệt khó hồi phục và tử vong.
-Gần đây nhất Khoa Học đã chứng minh trong rau củ và duy nhất trong rau củ (légumes) chứa những lợi khuẫn được gọi là ”endobacteries” và mộ số nấm mycélium chịu được nhiệt độ cao. Ăn vào, nó có tác động hộ trợ và nuôi dưỡng hệ vi sinh tốt cho đường ruột: thiếu nó sẽ dần dần sinh ra sự mất cân bằng cho các lợi khuẩn rất xấu cho sức khỏe.
Quan niệm Phương Đông:
– Theo quan niệm phổ biến, Gạo lứt muối mè số 7 được xem là món ăn quân bình âm dương. Xin thưa không phải!
Gạo lứt là thực phẩm dương nhẹ ( K/Na=4.9) và nấu lên nên dương hơn. Muối mè, tùy lượng muối/mè nhưng cũng khá dương vì cả hai đều phải rang lên. Tamari thì 3 năm cực dương nên miễn bàn. Các trợ phương khác như Trà Bancha, Trà MU, Trà Gạo, Trà đậu, mơ Muối, Café Yannoh, Dentie, Ô mai lâu năm… đều rất dương. Uống ít nước cũng là dương!
Số 7 là món quân bình âm dương chăng? Nếu quân bình tại sao tất cả những người cực đoan số 7 lại teo tóp (dương)? Vậy GLMM số 7 là mất quân bình âm dương
C/Kết Luận:
Với các phân tích của Long Trần phía trên, vừa kết hợp thuyết âm dương của Phương Đông kèm với thuyết dinh dưỡng của Phương Tây. Chúng ta có thể dễ dàng đưa ra kết luận như sau về phương pháp GLMM số 7:
Bằng cách ăn uống thuận tự nhiên không hóa chất, ăn chỉ duy nhất một loại thực phẩm thật ít và nhai kỹ, uống ít nước, người ăn gạo lứt muối mè số 7 tạo điều kiện cho toàn bộ cơ thể được nghỉ ngơi, tiêu bớt lượng mỡ thừa và thải độc. Trọng lượng cơ thể giảm đáng kể, chất lượng máu, tiêu hóa, các hoạt động và chuyển hóa chung được cải thiện từ đó sức khỏe gia tăng. Người bệnh sẽ nhanh nhẹn hơn, suy nghĩ sáng suốt và giấc ngủ cũng tốt hơn… Dựa vào cảm giác sảng khoái, dễ chịu hơn họ sẽ đặt niềm tin tuyệt đối và bám chặt vào chế độ ăn này và thần tượng hóa người hướng dẫn họ đến khi lượng dự trữ đã tiêu hao toàn bộ. Thời gian chịu đựng được tùy thuộc vào từng cá nhân, tuy nhiên chúng ta có thể thấy chỉ cần vài tuần não bộ và ruột đã tổn thương trầm trọng. Và sự quay trở về một cách ăn hợp lý cũng khó có thể xóa được nỗi thương đau của một cơ thể bị dày vò, áp đặt, ức chế đến bước đường cùng.
Theo Định luật cân bằng thứ 5 của Vũ Trụ (có thể đọc được trong các sách TD Ohsawa)
Bề mặt càng To thì bề lưng càng lớn! Vì vậy hiệu quả và hậu quả của nó cũng không thua kém gì nhau! Khi hiểu được câu này thì bạn đã hiểu tất cả về số 7 !
Phương pháp Thực Dưỡng từ xưa nay được biết đến với tên Gạo lứt muối mè số 7. Từ khoảng 10 năm gần đây PP này phát triển mạnh mẽ tại VN, người nhập môn bệnh nặng hay không thường được khuyên ăn GLMM để nhanh chóng lập lại Quân Bình Âm Dương từ đó khôi phục sức khỏe, khỏi tất cả các loại bệnh tật như mơ! Họ được tuyên truyền bởi các tay cực đoan rằng, Gạo lứt là thực phẩm quân bình nhất, là thức ăn của loài người, rất giàu dinh dưỡng không sợ thiếu chất… phải ăn cho đến khi hết bệnh rồi mới ăn ra. Bất chấp lời khuyên can của mọi người xung quanh, gia đình bạn bè và người thân… những nạn nhân vẫn cứ tin mù quáng và tiếp tục ăn đến khi teo tóp, gầy trơ xương, xanh xao, da sạm, giảm chức năng sinh dục, tắt kinh, thiếu máu, suy giảm đề kháng, lạnh tay chân, già nua, đái ra máu, bón kinh niên, mờ mắt, rụng răng, rụng tóc…
Lời hứa hẹn thoát qua giai đoạn thải độc này, sau khi ăn ra cơ thể khỏe mạnh sẽ hấp thụ dinh dưỡng tối đa, hồng hào và trở về cân nặng tối ưu với chỉ vài miếng rau và ít đậu là có thể khôi phục sức khỏe một cách nhanh chóng. Tiếc thay nhiều nạn nhân xấu số đã tử vong trước khi giai đoạn thải độc kết thúc.
Để đi đến kết luận chúng ta có thể nói rằng dinh dưỡng học và tư vấn bệnh không phải là một chuyện nhỏ. Điều tối thiểu là nó nên được thực hiện bởi một chuyên gia được đào tạo có bài bản, có kiến thức khoa học hay/và kiến thức âm dương và thêm kinh nghiệm. Một số vấn đề cơ bản cần nắm bắt khi tư vấn: chế độ dinh dưỡng phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như giới tính, tuổi tác, bệnh tật, công việc, thời tiết… Dinh dưỡng cho con người bao gồm một số yêu cầu cố định và một số quy tắc có thể dễ dàng uyển chuyển. Bất kỳ lúc nào bạn gặp một vị thầy tư vấn bệnh bằng một công thức rập khuôn cực đoan hay/ và cho quá nhiều thực phẩm chức năng để hỗ trợ thì nên thận trọng.

D/ Lời Khuyên:
Qua các kiến thức khoa học tôi chia sẻ trên, bây giờ các bạn có thể tự mình cảm nhận sự nguy hiểm của GLMM số 7, các nguy cơ và tai hại tiềm tàng khó lường, các di chứng kinh khủng đôi lúc khó tin cho những người chưa từng trải nghiệm. Hãy thương yêu cơ thể bạn từng ngày như nó đã từng làm với bạn. Hãy suy ngẫm thật sâu trước khi thực hiện những hành động thiếu hợp lý, thiếu lý trí, thiếu khoa học như tôi đã từng làm.
Hãy cảm nhận được lời chia sẻ chân thành, sâu từ đáy lòng của Long Trần dành cho các bạn, qua từng lời từng câu nói của bài viết này, để tránh khỏi địa ngục trần gian GLMM số 7 thần thánh, mà nhiều người kém phước đã mắc phải! Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc và tìm hiểu bài viết khá dài này. Xin vui lòng chia sẻ nó để mọi người được hưởng nhiều lợi ích, cũng như việc động viên tôi về sau!
Bài này sẽ được bổ sung theo thời gian, mỗi khi có thể. Để nó luôn được chính xác hơn. hoàn hảo hơn và còn là niềm tin vững chắc cho người thực hành Thực dưỡng Hiện Đại. Nếu có vài sai sót nhỏ mong được thông cảm từ các bạn.
Long Trần
Ngày cập nhật mới nhất ( 6/2/2018)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét