Hậu quả khôn lường nếu 'yêu' sớm sau sinh
Quan hệ tình dục quá sớm sau khi sinh có thể dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn do sản dịch vẫn còn, cổ tử cung vẫn mở. Tốt nhất nên kiêng quan hệ vợ chồng khoảng 6-8 tuần sau "vượt cạn", chờ cơ thể hồi phục.
Cần thận trọng khi quan hệ vợ chồng sau sinh. Ảnh: cnsk |
Phụ nữ sau khi sinh đều được khuyên nên kiêng quan hệ vợ chồng trong khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, nhiều chị em không tuân thủ, đã gần gũi chồng quá sớm dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Mới sinh em bé chưa được 3 tuần, chị Thúy Hạnh ở Văn Lâm, Hưng Yên, đã không nỡ từ chối khi chồng “đòi hỏi” dù vẫn đang trong thời gian “cấm”. Chồng chị là kỹ sư xây dựng, công tác tại Sài Gòn, mỗi năm chỉ về với vợ được 1-2 lần phép.
Bác sĩ khẳng định "chăn gối" sớm chính là nguyên nhân khiến chị bị nhiễm khuẩn.Tranh thủ thời gian chồng về chăm vợ sinh con, vợ chồng chị quấn quýt đến nỗi bỏ qua cả lời khuyên của bác sĩ cố gắng kiêng trong 4-5 tuần vì vết mổ của chị không được lành da như những chị em khác. Sau đó, chị Hạnh thấy người khó chịu, sốt nhẹ. Nghĩ rằng bị cảm, chị không đi khám nhưng mấy ngày sau sốt cao hơn, bụng dưới lâm râm đau, sản dịch ra nhiều và có mùi hôi. Lúc này, chị thấy không yên tâm nên đến bệnh viện khám. Bác sĩ kết luận chị bị nhiễm khuẩn sau khi sinh, vết khâu tầng sinh môn có dấu hiệu nhiễm trùng.
Theo bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trưởng phòng khám sản phụ khoa, Trung tâm y tế Thái Hà, Hà Nội, thì trường hợp như chị Hạnh không ít, đã có nhiều bệnh nhân tìm đến bác sĩ trong tình trạng tương tự.
Thông thường, bác sĩ đều khuyến cáo phụ nữ sau khi sinh không nên quan hệ tình dục quá sớm. Tốt nhất nên kiêng quan hệ vợ chồng khoảng 6-8 tuần, vì sau thời gian này các cơ quan trong cơ thể mới hồi phục sau ca vượt cạn.
Bác sĩ Dung cũng khẳng định, đây không phải là “quy định cứng”, tùy thuộc vào cơ địa của từng người. Có người hồi phục nhanh nhưng cũng có người cần nhiều thời gian hơn. Nhưng “yêu” trở lại sau khi sinh 2-3 tuần như chị Hạnh thì quá sớm, nhất là trong trường hợp vết mổ sau sinh của chị không lành tính như những người khác.
Tương tự chị Hạnh, chị Phương Thùy ở Hà Đông, Hà Nội, cũng gặp rắc rối do không kiêng cữ “chuyện chăn gối” sau sinh đẻ. Nhưng lỗi lại ở chị Thùy vì “nhu cầu” của chị khá cao. Sau khi sinh con gái chưa đầy một tháng chị đã quan hệ trở lại. Cũng may, vết thương nhanh lành, cơ thể sớm ổn định nên không thấy vấn đề về sức khỏe.
Vợ chồng chị chủ quan cho rằng đang cho con bú thì không cần tránh thai nên "cứ vô tư". Không ngờ, sau vài lần gần chồng, chị Thùy đã dính bầu cho dù mới sinh được 4 tháng. Bỏ thai thì chị không đành lòng mà đằng nào cũng phải sinh đứa nữa, thế là trong vòng hai năm chị sinh luôn hai nhóc.
Bác sĩ Dung nhận định, ca sinh nở của người phụ nữ được coi như một cuộc “đại hành kinh” (mất nhiều máu). Với những người sinh đẻ thuận lợi, không gặp vấn đề gì đặc biệt thì việc hồi phục sẽ rất nhanh. Với người khó đẻ thì chuyện phục hồi sau sinh mất khoảng thời gian không ngắn.
Thường thì khoảng hai tuần sau sinh, tử cung sẽ co nhỏ lại gần bằng kích cỡ ban đầu, cổ tử cung đóng kín và hết sản dịch. Bà mẹ khỏe mạnh thì sau một tháng, tất cả các cơ quan liên quan đã có thể trở lại kích thước bình thường. Lúc này, quan hệ tình dục có thể diễn ra nếu người vợ cảm thấy đã sẵn sàng.
Bác sĩ Dung khuyên, đối với những sản phụ phải cắt tầng sinh môn, trong thời gian ngắn vết khâu chưa lành hẳn nên dễ nhiễm khuẩn, tai biến khi quan hệ tình dục. Ngay cả với trường hợp sinh mổ, cơ quan sinh dục dưới không bị tổn thương nhưng nếu quan hệ sớm, sự vận động cơ thể khi “hành sự” có thể gây đứt chỉ, bục vết khâu.
Ngoài ra, rất nhiều người tưởng rằng khi mới sinh, đang cho con bú thì chưa thể có thai. Thực tế ở một số người, sự rụng trứng quay trở lại rất sớm, nên chuyện thụ thai ngay tháng đầu tiên sau sinh cũng không phải là hiếm. Vì thế, khi quan hệ tình dục vẫn cần có biện pháp tránh thai.
Nguyên tắc chăm sóc sức khỏe sản phụ sau khi sinh
Sau khi sinh con cơ thể của người phụ nũ đã trải qua nhiều sự thay đổi lớn. Đồng thời phải đảm bảo dinh dưỡng sữa mẹ cho em bé . Vì vậy việc chăm sóc sau sinh đóng một vai trò quan trọng nhằm giúp cho cơ thể người phụ nữ nhanh chóng trở về trạng thái bình thường.
1. Hiện tượng sản dịch
Sản dịch hay còn gọi là máu sau khi sổ nhau, thường ra nhiều trong những giờ đầu sau khi sinh, ban đầu ra nhiều nhưng giảm dần trước khi chấm dứt. Cũng có trường hợp sản dịch ra ít hoặc không ra và được xem là bất thường.
Nếu dịch không thoát ra được thì tử cung khó co lại, dễ bị nhiễm trùng máu hậu sản.
Để khắc phục, sau khi sinh, sản phụ cần nằm bất động trong thời gian 8-10 giờ, nếu sinh mổ thì thời gian này cần kéo dài hơn thậm chí có thể dài tới 20 tiếng.
Sau thời gian trên cần duy trì các hoạt động từ từ để giúp cơ thể chóng được bình phục. Trường hợp ra quá nhiều máu hoặc quá nhanh thì nguy cơ bị băng huyết rất cao, nên tư vấn bác sĩ ngay.
Nói chung, những người khỏe mạnh thì sau 3 tuần sẽ hết sản dịch, thậm chí có thể có kinh trở lại, vì lý do này cần có biện pháp tránh thai để khỏi bị vỡ kế hoạch.
2.Những hiện tượng nguy hiểm sau khi sinh
Trường hợp xuất hiện những hiện tượng bất thường dưới đây cần báo ngay cho bác sĩ biết:
- Ngất, bất tỉnh
- Ra máu nhiều, máu dạng đỏ tươi kèm theo cục đông máu
- Đau bụng dữ dội
- Nôn ói, tiêu chảy
- Máu và dịch tiết âm đạo có mùi hôi
- Vết mổ sưng đau, rỉ máu
- Có nước tiểu, phân chảy từ âm đạo
- Người mệt mỏi, da xám, mặt nhợt nhạt
Ngoài dấu hiệu về thể chất nói trên, phụ nữ sau khi sinh còn thay đổi về cảm xúc, dễ xúc động, vui buồn thay đổi đột ngột, khóc vô cớ, dễ cáu giận, biếng ăn, mệt mỏi khó ngủ…
Những dấu hiệu về tinh thần được xem là nguy hiểm nếu như không mất mà có chiều hướng phát triển mạnh hơn, dẫn đến không thể chăm sóc được bản thân và con cái được, lo sợ bị cô đơn cùng con cái, có ý định quyên sinh hoặc gây tổn thương đến đứa trẻ thì cần đi khám và tư vấn bác sĩ càng sớm càng tốt.
3. Chăm sóc bầu vú
Càng về cuối giai đoạn mang thai bầu vú bắt đầu có nhiều sữa, không nên nặn vú bởi nó gây tác động đến quá trình phát triển của thai nhi, phát sinh những biến chứng gây đẻ non.
Sau khi sinh khoảng 3 ngày, phụ nữ bắt đầu có sữa chất lượng, nếu bị cứng, tắc thì khi trẻ bú sẽ hết dần. Để giảm đau, nên massage bầu vú, tắm vòi hoa sen, dùng đèn hồng ngoại chiếu kết hợp xoa bóp nhẹ nhàng.
Phương án nuôi con bằng sữa mẹ được người ta tuyên truyền không chỉ tốt cho sản phụ mà còn tốt cho cả đứa trẻ và cũng là phương án giúp cơ thể người mẹ nhanh chóng bình phục, cả về thể chất lẫn về trạng thái tinh thần.
4. Chăm sóc vùng kín
Để giúp dạ con nhanh trở lại bình thường thì nên giữ vệ sinh tốt âm đạo, đi đứng nhẹ nhàng. Kết quả, sau 20 ngày đến 1 tháng dạ con sẽ trở lại bình thường.
Chăm sóc vùng kín rất đa dạng như giữ gìn vệ sinh, đeo băng, thay băng, giữ gìn âm đạo luôn sạch và khô, ngoài ra cũng nên tăng cường hoạt động, không nên nằm nhiều, luyện tập các môn thể thao nhẹ nhàng, tăng cường thực phẩm giàu chât xơ để tránh táo bón…
Sau khi sinh có thể tắm gội bình thường, không nên tắm ngâm mình dưới ao hồ hoặc trong bồn tắm, nên nghỉ ngơi thích hợp.
5. Một số cách giúp bình phục nhanh sau khi sinh
Nghỉ ngơi đầy đủ:
Do bị tổn thất nhiều năng lượng nên việc nghỉ ngơi sau khi sinh ở phụ nữ đóng vai trò quan trọng, tốt cả cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, nhất là những bà mẹ trẻ sinh con lần đầu.
Trong thời gian nghỉ ngơi, được mọi người quan tâm hỏi thăm là liệu pháp tinh thần tốt, giúp sản phụ khỏe và hồi phục nhanh.
Ăn uống khoa học:
Ăn uống khoa học sau khi sinh rất đa dạng như ăn nhiều rau xanh hoa quả, thực phẩm giàu protein như thịt, pho mát, thực phẩm dạng bột, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ để chống táo bón, uống nhiều nước để tăng cường sữa.
Tuy nhiên cần hạn chế dùng đồ uống kích thích như chè, cà phê, coca, rượu bia, tăng cường nước hoa quả, chè dược thảo, sữa.
Chú ý đến các vết mổ:
Những người phải mổ khi sinh hoặc phải qua thủ thuật chích cửa mình thì phải giữ vệ sinh để tránh viêm nhiễm, đặc biệt là phải thường xuyên vệ sinh, lau khô để tránh nhiễm trùng.
Một khi xuất hiện hiện tượng sưng tấy, rỉ máu phải đi thăm khám bác sĩ.
Phụ nữ sau khi sinh nên tập các bài thể dạo nhẹ nhàng:
Những bài tập thể thao này sẽ giúp co khít cơ niệu đạo, cơ âm đạo, tránh bị són tiểu sau này, trường hợp bị táo bón có thể chườm nước nóng, tắm nước nóng, massage vùng xương mu, massage vùng bụng.
Chú ý về tắm giặt:
- Phụ nữ sau khi sinh không nên kiêng tắm, tắm giặt sớm làm sạch các tế bào chết trên da giúp da sáng khỏe.
- Nên tắm bằng nước ấm, trong phòng kín, cũng có thể tắm nước nóng và nước lạnh kết hợp để giúp máu tuần hoàn tốt.
- Nhiệt độ phòng ngủ nên duy trì ở mức 25oC, phù hợp cho cả mẹ lẫn con.
6. Vấn đề tình dục sau khi sinh
Vấn đề tình dục sau khi sinh được coi là tế nhị, làm cho nhiều người phân vân và ít được đề cập, nhất là những người làm mẹ lần đầu. Lý do đơn giản là sợ đau giống như khi sinh.
Theo các chuyên gia tình dục học của Mỹ thì trong 6 tháng đầu sau khi sinh không nên hoạt động tình dục nhưng cũng có người cho rằng nếu sức khỏe của sản phụ hồi phục nhanh thì sau 4-6 tháng vẫn có thể sinh hoạt bình thường và cũng là cách giúp cho cơ thể người phụ nữ kích hoạt trở lại, giúp máu tuần hoàn tốt hơn.
Phương án nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ tốt cho sản phụ mà còn tốt cho cả đứa trẻ và cũng là phương án giúp cơ thể người mẹ nhanh chóng bình phục.
Tuy nhiên, việc làm này cần phải có sự đồng thuận của cả hai, mọi thao tác phải nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương cho phụ nữ, đây là lý do gây căng thẳng và làm cho phụ nữ sợ giống như tổn thương, đau khi sinh.
Ngoài ra cũng nên tránh các kiểu sex bằng miệng bởi lẽ nó có thể gây viêm nhiễm âm đạo, thậm chí dẫn đến tử vong bởi vì các môi chất ngoại lai thâm nhập từ bên ngoài, nhất là không khí bởi nó mang theo vi trùng thâm nhập vào dòng máu, gây ra căn bệnh có tên là air embolison (sự tắc mạch) nguy hiểm đến tính mạng như đã từng xảy ra ở Anh, trong đó người chồng chính là thủ phạm giết vợ sau khi sinh hoạt tình dục bằng miệng.
7. Một số cách giảm cân sau khi sinh
- Nên uống mỗi ngày từ 10-12 cốc nước, không nên uống nước đóng chai, có chứa gas mà thay bằng nước hoa quả.
- Nên dùng đồ ăn vặt có lợi như bỏng ngô, lạc rang…
- Tăng cường thịt nghèo, như thịt gà, thịt bò, cá
- Tăng cường thực phẩm dạng hạt, hạn chế thực phẩm chế biến quá kỹ
- Nên tăng cường luyện tập thể thao ngay sau khi hồi phục theo phương án nhẹ nhàng và tăng dần đều.
- Nên nuôi con bằng sữa mẹ, đây là cách tốt nhất cho cả mẹ lẫn con, trong đó có tác dụng giảm cân và duy trì vẻ đẹp tự nhiên cho cơ thể phụ nữ sau khi sinh.
Theo Ths Bs Le Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét