http://www.benhvienthongminh.com
Đàm Doãn Hiền (1461-1556), là người huyện Vô Tích thuộc Nam Trực phủ Thường Châu, nàng sinh năm thứ 5 Thiên Thuận thời nhà Minh, trong một gia đình làm nghề y gia truyền. Ông nội Đàm Phục và bà nội Như Thị là danh y nổi tiếng thời bấy giờ, tuy nhiên hai người con trai đều học hành đỗ đạt và không nối nghiệp cha mẹ. Có lẽ cũng vì vậy, khi thiên kim tiểu thư của người con trai Đàm Cương là nàng ra đời, với tư chất thông minh, xinh đẹp hơn người, lại dịu dàng nhã nhặn nàng được bà nội vô cùng yêu quý.
Bà nội – người thầy dạy y đầu tiên của Đàm Doãn Hiền
Thiên ý vốn khéo sự an bài, bởi hết mực yêu thương cháu gái, lại nghĩ con trai không kế thừa nghề y, bà nội cô liền nảy sinh ý định muốn truyền thụ y thuật cho cháu gái. Ban đầu, Như Thị không hy vọng Doãn Hiền trở thành thầy thuốc, bởi thời ấy không coi trọng phụ nữ tham gia vào những công việc mà trước nay chỉ có đấng nam nhi đảm trách.
Như Thị truyền nghề cho cháu có lẽ cũng đã phải trải qua bao cân nhắc: Nữ tử hiểu chút dược lý, trong cuộc sống mà có thể giúp ích cho đời, đồng thời lòng nhân từ của thầy thuốc, cũng có thể nuôi dưỡng thiện tâm cho cháu gái, điều này có khi còn tốt hơn cả những thuyết giáo trong sách vở.
Từ đó về sau, bà nội bắt đầu đảm nhận làm thầy giáo vỡ lòng dạy y thuật và đủ các loại y dược kinh điển cho cô. Tuổi còn nhỏ, nhưng được bà nội dạy dỗ chăm sóc nên nàng ra sức học hành chăm chỉ, trước khi thực sự lớn lên và hiểu chuyện nàng hầu như đã học xong những cuốn y học truyền thống như “Nạn kinh”, “Mạch quyết”. Đồng thời còn có thể giúp ông bà nội sao chép phương thuốc, pha chế dược liệu, y thuật nhờ đó ngày càng nâng cao.
Nhưng cuộc đời thật khó lường, biến cố bắt đầu sau khi Doãn Hiền xuất giá. Lấy chồng không lâu, nàng bị mắc chứng khí huyết không điều hòa không thể mang thai. Đây là một căn bệnh vô cùng khó chữa của phụ nữ thời cổ đại. Nhà chồng và nhà mẹ đẻ lo lắng định mời thầy lang trong vùng tới thăm bệnh, nhưng nàng lại kiên quyết tự khám, tự kê đơn bốc thuốc…
Một người phụ nữ lại dám cả gan làm như vậy, sự táo bạo này khiến bà nội nàng sửng sốt và một mực phản đối. Nàng không vì thế mà tranh cãi với người nhà, chỉ âm thầm bí mật tìm đọc sách thuốc, tự bắt mạch và kê đơn bốc thuốc. Nếu có thầy thuốc đến khám thì đem kết quả tự chẩn đoán ra để khiêm tốn thỉnh giáo và đều được họ tán đồng.
Càng tự tin hơn với y thuật của bản thân, nàng tự mình pha chế thảo dược và uống. Qua mấy tháng, bệnh quả nhiên đã khỏi một cách thần kỳ. Sau khi khỏe lại, nàng sinh hạ cho chồng ba cô con gái và một cậu con trai kháu khỉnh. Về sau mỗi khi con cái bị bệnh, Doãn Hiền kiên trì tự mình điều trị, thường thì thuốc vào là bệnh hết, y thuật ngày càng trở nên thuần thục.
Sứ mệnh thiên phú
Khi Đàm Doãn Hiền khoảng 50 tuổi, bà nội qua đời, nàng vì quá đau buồn mà bệnh cũ lại tái phát. Bệnh càng ngày càng nặng không rõ căn nguyên giày vò khiến nàng nằm liệt giường suốt bảy tháng. Có nhiều lúc tưởng chừng như hấp hối, nàng vô hồn thầm nghĩ mình có thể sắp sửa đi theo bà nội. Tuy nhiên vẫn cố gắng gượng, thản nhiên suy xét, quyết tâm tự chữa bệnh cho mình như xưa. Nhưng các phương thức trị liệu đều vô hiệu mà các thầy thuốc khác cũng đành bó tay.
Vào thời khắc tưởng chừng như tuyệt vọng, một giấc mộng thần kỳ đã mang cho nàng tia hy vọng sống sót. Đêm khuya hôm ấy, khi đang nằm trên giường nửa ngủ nửa thức thì bất ngờ nàng nhìn thấy gương mặt hiền lành của bà nội. Bà đến trong giấc mộng, chính là để chỉ phương thuốc bí truyền giúp nàng cải tử hoàn sinh.
Bà nội hiền từ nói: “Bệnh của con không chết, bài thuốc chính là trong mấy cuốn sách được lưu giữ tại Đàm gia. Sau đó, bà còn hy vọng khi khỏe lại có thể dốc lòng hành nghề cứu dân và đưa y thuật được lưu truyền rộng rãi.
Sau khi tỉnh mộng, nàng lập tức sai người tìm sách và đi bốc thuốc, quả nhiên kỳ tích lại đến, bệnh hoàn toàn được chữa khỏi. Tổ tiên hiển linh, truyền lại sứ mệnh thiên phú, cuối cùng nàng đã minh bạch việc học y của mình. Đó không đơn thuần chỉ là chăm sóc và ở bên cạnh người thân thích, mà còn cần bao dung từ bi cứu giúp chúng dân.
Thời xưa nam nữ thụ thụ bất thân, nữ tử muốn mời thầy chữa bệnh có rất nhiều hạn chế khắt khe. Khi người phụ nữ bị bệnh, người nhà tới kể bệnh cho thầy thuốc và qua đó để được kê đơn bốc thuốc. Cũng bởi hạn chế đó, có rất nhiều loại bệnh khó lòng được chẩn đoán đúng, làm cho nhiều chị em không được chữa trị kịp thời, chỉ có thể nhẫn chịu và làm bệnh tật dai dẳng kéo dài. Bởi những hạn chế đó, Doãn Hiền quyết định rời nhà, ra ngoài thăm khám cho các bệnh nhân nữ. Từ đó danh tiếng về y thuật và y đức của nàng lan xa, bệnh nhân tìm đến nhờ nàng chữa bệnh rất đông. Không lâu sau, nàng được mời vào cung chuyên chăm sóc sức khỏe cho hoàng hậu và các công chúa hoàng thất và vang danh khắp đất nước.
Lập ngôn lập đức
Mặc dù tiếng tăm lừng lẫy nhưng nàng không hề kiêu ngạo, lời dặn dò của bà nội trong giấc mộng năm nào vẫn văng vẳng bên tai, làm nàng không dám buông lỏng yêu cầu đối với bản thân. Được kết duyên với y đạo, được truyền thụ những tinh hoa trí tuệ y thuật của tổ tiên, hơn nữa đã trở thành một nữ đại phu có bàn tay thần diệu, nàng muốn đem kinh nghiệm tích lũy được biên soạn thành sách, tạo phúc đời sau. Nàng bèn tuyển chọn 31 ca mình đã tự khám chữa bệnh và sắp xếp lại thành cuốn “Nữ y tạp ngôn”. Cũng để tưởng nhớ ân huệ của người thầy dạy y thuật từ thủa vỡ lòng, nàng đem tiểu sử cùng những trải nghiệm thần kỳ của mình viết thành lời tựa của cuốn sách.
Đàm Doãn Hiền là nữ tử, chăm sóc đều là bệnh nhân nữ, điều này khiến “Nữ y tạp ngôn” không chỉ là trứ tác của một nữ y đầu tiên thời bấy giờ, mà còn là một bộ chuyên khảo phụ khoa hiếm có. Những người phụ nữ được đề cập trong sách, có nữ đồng tóc trái đào, cũng có bà lão tuổi thất tuần, còn có những phu nhân ở độ tuổi sinh đẻ…
Nữ y tạp ngôn không chỉ ghi chép lại bệnh lý, phương thuốc, mà còn được ghi lại cả căn nguyên sinh bệnh của từng trường hợp. Có nữ tử bởi vì chồng nạp thiếp mà ghen ghét sinh bệnh, có nữ tử vì chồng nhiều năm trêu hoa ghẹo liễu mà vô sinh, còn có nữ tử mang thai không muốn sinh, tự mình phá thai cuối cùng đã sinh bệnh. Những sự việc đau lòng này bệnh nhân luôn muốn giữ kín, chỉ khi gặp gỡ nữ danh y với tấm lòng nhân hậu mới có thể không ngại ngùng mà trải lòng.
Cuốn sách này không chỉ là những phương thuốc chữa bệnh, mà hơn cả là một tấm lòng hành thiện cứu người của nữ thần y. Có lẽ thiện hạnh vô tư đã làm cảm động trời xanh, tuổi thọ của Đàm Doãn Hiền vốn là 73 tuổi, nhưng mãi đến 96 tuổi bà mới nhẹ nhàng rời đi. Mà trong cuộc đời bà, mỗi ngày trôi qua đều tận sức cứu người, tận tâm thực hiện sứ mệnh mà ông trời giao phó.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét