Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019

Thần thông và Tha tam thông

http://www.benhvienthongminh.com
"Thần Thông". Thế nào gọi là "thần"? Thế nào gọi là "thông"? "Thần" là "thiên tâm", là tâm của trời; "thông" là "huệ tánh", tức là có trí huệ. "Thông" còn là "thông đạt vô ngại" - chẳng có gì không thông suốt; và "thần" cũng hàm ý thần kỳ bí ẩn.
Thần thông có sáu loại - sáu loại cũng là một loại, một loại mà phân làm sáu loại. Cho nên, tách riêng ra thì có tới sáu loại, song hợp lại thì chỉ là một. Thật ra, một loại cũng chẳng có nữa, bởi xưa nay vốn không có thần thông mà vốn cũng có thần thông!
Vì sao nói "vốn không có thần thông"? Vì sao lại nói "vốn cũng có thần thông"? Ðiều này rất kỳ diệu, lý thú. Bây giờ, chúng ta hãy nói về sáu loại thần thông trước, rồi sau đó sẽ bàn đến "vốn là thần thông, vốn không phải là thần thông; vốn là một loại thần thông, vốn là một loại thần thông cũng chẳng có."
Sáu loại thần thông chính là Thiên Nhãn Thông, Thiên Nhĩ Thông, Tha Tâm Thông, Túc Mạng Thông, Lậu Tận Thông, và Thần Túc Thông.
1) Thiên Nhãn Thông. Người chứng được Thiên Nhãn Thông có thể nhìn thấy khắp cả ba ngàn đại thiên thế giới rõ ràng như nhìn quả am-ma-la trong lòng bàn tay vậy. Trong hàng đệ tử của Phật, Tôn Giả A Na Luật là bậc đứng đầu về Thiên Nhãn Thông.
2) Thiên Nhĩ Thông. Chứng được Thiên Nhĩ Thông thì có thể nghe được mọi âm thanh từ cõi nhân gian cho đến tận ba ngàn đại thiên thế giới, luôn cả các âm thanh của cõi trời.
3) Tha Tâm Thông. Ðây là khả năng đọc được ý nghĩ của người khác. Tất cả những việc mà quý vị dự tính trong đầu, định sẽ thực hiện, thì cho dù quý vị chưa hề thổ lộ với ai cả, nhưng người đã chứng đắc Tha Tâm Thông vẫn có thể biết rõ.
4) Túc Mạng Thông. Người chứng đắc Túc Mạng Thông có khả năng biết được tất cả những việc - thiện cũng như ác - mà quý vị đã tạo tác trong các đời trước.
5) Thần Cảnh Thông (cũng gọi là Thần Túc Thông hoặc Như Ý Thông). Chữ "thần" này đồng nghĩa với chữ "thần" vừa giảng ở trên, và cũng chỉ cho một cảnh giới kỳ diệu, không thể nghĩ bàn. Ý nghĩa của chữ "thần" và chữ "diệu" có đôi chút tương đồng; cho nên có lúc nói "thần diệu khôn lường", chính là ám chỉ một thứ cảnh giới không thể nghĩ bàn.
"Cảnh" là cảnh giới; còn "thông" là thông đạt vô ngại, vốn không thông mà lại thông. Thí dụ, bức tường chắn ngang tuy có gây trở ngại, nhưng nếu quý vị khoét một lỗ hổng thì sẽ được thông lưu. Tương tự như thế, "bức tường" vô minh gây chướng ngại, ngăn che ánh sáng quang minh của tự tánh trong chúng ta; song, nếu quý vị có thể dùng "gươm" trí huệ của mình để phá vỡ bức tường đó, thì sẽ được thông suốt ngay.
6) Lậu Tận Thông. Chúng ta vì sao chưa thành Phật? Bởi vì chúng ta vẫn còn "lậu hoặc"! Chúng ta vì sao chưa thể làm Bồ Tát? Bởi vì "lậu hoặc" vẫn tồn tại trong chúng ta! Chính vì lậu hoặc mà chúng ta phải trầm luân trong Tam Giới - Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Chẳng những thế, các lậu hoặc này còn khiến cho chúng ta bị lưu lạc, nổi trôi trong chín Pháp Giới. Chín Pháp Giới là gì? Ðó là chín cõi giới của Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, Thiên (Trời), Nhân (Người), A Tu La, Ðịa Ngục, Ngạ Quỷ và Súc Sanh. Chúng sanh trong chín Pháp Giới này chưa thể thành Phật được là vì họ còn có lậu hoặc; nếu không còn lậu hoặc nữa thì nhất định sẽ thành Phật.
Lậu hoặc này do đâu mà có? Chính là do vô minh! Cho nên, hễ diệt trừ được vô minh thì lậu hoặc sẽ không còn nữa; nếu vô minh chưa bị phá hủy thì lậu hoặc vẫn còn tồn tại. Do vậy, người chứng được Lậu Tận Thông chẳng có bao nhiêu. Một khi không còn lậu hoặc thì quý vị sẽ không còn phải trôi lăn trong vòng sanh tử nữa. Tại sao chúng ta vẫn còn luẩn quẩn trong vòng sanh tử? Ðó là vì chúng ta có lậu hoặc! Người có lậu hoặc ví như cái bình bị lủng vậy - quý vị muốn đổ nước cho đầy bình, nhưng nước cứ rỉ ra ngoài theo chỗ lủng, bình không thể giữ được nước. Cho nên, dứt sạch mọi mối lậu tức là được "lậu tận thông" vậy.
Nói rằng con người "vốn không có thần thông", là ám chỉ lúc chúng ta còn là phàm phu, chưa hiện thần thông. Lại nói rằng con người "xưa nay vốn có thần thông", bởi y cứ vào quả vị của bậc Thánh nhân mà nói thì thần thông vốn đã có sẵn. Hạng phàm phu thì không có thần thông, bậc Thánh nhân mới có thần thông. Thần thông của Thánh nhân phải chăng là đến từ bên ngoài? Không, đó là có sẵn! Thế thì phàm phu không có thần thông, phải chăng là vì họ đã đánh mất? Cũng không phải, bởi thần thông ấy vẫn tiềm tàng trong tự tánh của phàm phu; chẳng qua là họ chưa phát hiện ra, chưa nhận thức được, nên tưởng rằng mình không có mà thôi! Cho nên, tôi nói "vốn không có thần thông" là vì lẽ ấy.
Có thần thông hay không có thần thông đều chẳng quan trọng. Quý vị chớ lầm tưởng rằng có thần thông tức là đắc Ðạo hoặc chứng được quả vị. Phải biết rằng có được thần thông rồi vẫn còn ở cách sự chứng quả và đắc Ðạo rất xa! Chúng ta không nên mới đạt được đôi chút thành tựu liền tự mãn: " - , phen này tôi phát tài rồi!" Mới có được một lượng vàng mà đã reo mừng rối rít, cho là mình phát tài; trong khi người ta có tới hàng ngàn hàng vạn lượng vàng thì lại không hề khoe khoang, vẫn bình thản như không có gì cả vậy! So với người ta thì việc mình có được một lượng vàng có gì là to tát đâu? Có câu:
Được ít cho là đủ, nửa đường tự ngừng
(Đắc thiểu vi túc, trung đạo tự hoạch)
Những kẻ chỉ mới gặt hái được một vài thành quả nhỏ nhoi mà ngỡ là nhiều lắm, thì chẳng khác nào tự vẽ sẵn mức đường giới hạn cho mình ở nửa đường, đến mức đó thì ngừng lại, không lướt tới nữa. Ðó là cảnh giới của hàng Nhị Thừa, chứ không phải là căn tánh Bồ Tát của Ðại Thừa. Cho nên, đừng nghĩ rằng có thần thông là tài giỏi. Nếu quý vị có thần thông rồi tự phụ, cho rằng mình tài giỏi hơn người, thì quý vị còn quá nông nỗi - bởi như thế là quý vị vẫn còn tâm chấp trước, còn lòng tự mãn.
 
 

THA TÂM THÔNG
VÀ NĂNG LỰC CỦA TIỀM THỨC, VÔ THỨC (1)

Tôi có anh bạn Phật tử thường hay nghiên cứu các hiện tượng huyền bí mà khoa học hiện đại chưa giải thích, đồng thời luyện tập các pháp môn có công năng cao để ứng dụng vào phép chữa bệnh. Anh cũng đã tạo được một số thành tích đáng kề, được nhiều người tai mắt biết đến.
Tết Nguyên Tiêu năm ấy, tôi gặp anh ở sân chùa, sau vài câu thăm hỏi anh hớn hở khoe: “Này chị ạ, tôi đã luyện được Tha tâm thông rồi đấy!” - “Thế à, nhưng cụ thể như thế nào?”, tôi hỏi. Anh chỉ cái ghế đá: “Mời chị lại đây”. Tôi với anh cùng ngồi đối diện. Anh thong thả nói bằng một giọng tự tin: “Thế này nhé, bây giờ chị có thể đố tôi bằng cách vẽ chu vi căn nhà của chị trên giấy, tôi sẽ chỉ ra chính xác vàng chị cất ở chỗ nào”. Tôi cười: “Ồ! Ai dại gì mà đi đố anh chỉ ra vàng tôi cất chỗ nào, để mai mốt anh sẽ chỉ cho một tên cướp…”. Biết tôi nói đùa, anh cũng cười rồi bảo: “Thôi, thế này nhé, bây giờ chị có thể đố tôi bất cứ vật gì chị để đâu trong nhà, tôi sẽ chỉ ra” - “Vâng, vậy thì tôi đố anh, trong nhà tôi, cái bàn thờ Phật tôi để chỗ nào? Tôi giới hạn cho anh, nó ở trong phòng ngoài, hình chữ nhật. Anh mà chỉ được thì tôi xin bái phục”.
Anh liền mở cuốn sổ Agenda ra, chỉ một trang giấy trắng trước mặt: “Đây là cái phòng ngoài của chị, hình chữ nhật nhé. Phía trước đây, phía sau đây, phải không?” Rồi anh đưa ngón tay trỏ cho nó đu đưa dò tìm trên trang giấy, mắt lim dim, miệng lẩm nhẩm: “Bàn thờ Phật ở đâu? Bàn thờ phật ở đâu?” Trong khi đó tôi cố ý đánh lạc hướng anh bằng cách tập trung tư tưởng, nhìn chăm chăm vào chỗ đối diện vị trí của bàn thờ trong hình chữ nhật. Nhưng cuối cùng anh vẫn chỉ đúng vị trí thật của bàn thờ rất chính xác khiến tôi phục lăn. Anh cười đắc thắng bảo: “Không phải ngẫu nhiên đâu nhé. Để cho chắc chị có thể đố tôi thêm vài vật khác trong nhà chị, tôi sẽ chỉ đúng vị trí cho chị xem” - “Vâng, bây giờ tôi lại đố anh cái bàn thờ Ông bà tôi để ở đâu, cũng trong căn phòng này”. Anh lại đưa ngón tay trỏ làm như trên. Lần này tôi quyết đánh lạc hướng anh, cũng bằng cách tập trung tư tưởng thật cao độ nhìn vào điểm đối diện với vị trí thực sự của bàn thờ. Và quả đúng như ý tôi, lần này anh đã mắc bẫy, chỉ ngay vào chỗ tôi tập trung nhìn. “Nó ở đây này” - “A! Anh thua rồi nhé! Nó ở bên này cơ!”
Trên đường về, tôi cứ suy nghĩ mãi, cố tìm ra nguyên do để giải thích sự kiện vừa rồi. Tuy không phải là một nhà nghiên cứu chuyên sâu nhưng không mê tín, tôi quyết tìm ra cách giải thích hợp lý. Tại sao trường hợp trên anh lại chỉ đúng vị trí bàn thờ Phật dù tôi cố ý đánh lạc hướng? Luồng điện nào đã tác động vào ngón tay anh? Và lần sau anh lại mắc mưu tôi, chỉ đúng vào chỗ tôi tập trung tư tưởng?
Suy nghĩ mãi, cuối cùng tôi cũng tìm ra được cách giải thích thỏa đáng. Và khi biết được nguyên lý rồi, tôi đã tự mình thực hiện bằng cách bảo các bạn bè tôi đố mình chỉ ra vị trí các đồ vật trong nhà họ, hoặc bàn giấy trong cơ quan…, những nơi mà tôi chưa hề bước chân tới. Và tôi đã chỉ ra được nhiều trường hợp rất chính xác. Có thể các nhà nghiên cứu khác đã có cách giải thích của họ, song tôi cũng xin trình bày cách giải thích của tôi để độc giả suy ngẫm và thực hành. Nếu thấy đúng, xin cho biết ý kiến để cùng trao đổi. Nhưng trước hết tôi xin được nêu lên vài khái niệm cơ bản mà tôi đã dựa vào để chứng minh:
Trong mỗi con người chúng ta có 3 cái biết: Ý thức, Tiềm thức và Vô thức.
1/ Ý thức là sự nhận biết về những sự vật xung quanh, ở gần hay xa, trong hiện tại hay quá khứ mà ta còn nhớ rõ. 

Thí dụ: Tôi biết anh tôi hiện đang ở Pháp
Tôi nhớ mẹ tôi mất ngày… tháng… năm…

2/ Tiềm thức là những cái biết được tích lũy từ trong quá khứ mà ta đã quên, hoặc còn nhớ lờ mờ, hoặc nhớ nhưng không quan tâm, những tình cảm cô đọng, những kinh nghiệm hay thói quen lặp đi lặp lại trong quá khứ, đã chấm dứt hay còn tiếp diễn. tất cả được bồi thành một “lớp dày” ẩn trong tâm thức, thường bị che mờ bởi ý thức. Là một “lớp dày” nhưng nó không hỗn độn mà có cấu trúc rất tinh vi, như một bộ nhớ trong máy vi tính. Tuy ta không biết đến nó nhưng nó vẫn hiện diện, linh hoạt tác động, chi phối mọi hành động và suy nghĩ của ta từng giờ từng phút, cả trong khi ta ngủ. Một cậu học sinh có khi nát óc với một bài toán hóc búa, suy nghĩ cả ngày, tối lại thức khuya nghĩ vẫn không ra, đành chịu. Nhưng có khi ngủ một giấc, sáng dậy bỗng nhiên lại nghĩ ra cách giải thật lưu loát. Tiềm thức đã làm việc trong khi ta ngủ. Rõ ràng tiềm thức khôn ngoan và sâu sắc hơn ý thức.

3/ Vô thức cũng giống như tiềm thức nhưng sâu kín hơn. Đó là những gì đã biết từ thời rất xa mà ta đã quên hẳn hoặc do ai đó đã lặng lẽ truyền cho ta những cái ta tưởng chưa bao giờ biết nhưng đã biết từ thời thơ ấu hay thậm chí từ kiếp trước nếu ta tin có luân hồi. Một vài em bé đã có khả năng tính nhẩm những con tính phức tạp mà người lớn phải dùng đến máy tính. Nhiều nhà thôi miên đã cho bệnh nhân nói lên trong khi ngủ những gì từ vô thức để cởi bỏ những đau đớn mà họ đang gánh chịu.
Trở lại câu chuyện “tha tâm thông” giữa anh bạn và tôi trên đây, ta giải thích thế nào? Khi anh đưa ngón tay trỏ dò tìm, anh lim dim mắt là để xóa đi ý thức của mình, cho ngón tay không phụ thuộc vào sự điều khiển của mình, đồng thời ra lệnh cho nó truy tìm: “Bàn thờ ở đâu?” Khi đó ngón tay anh chịu lực điều khiển của hai luồng điện: ý thức và tiềm thức của tôi. Ý thức là cái biết vị trí thực của bàn thờ, nhưng tôi đã cố xóa bỏ nó và cố tạo ra một ý thức giả tạo nhất thời: một vị trí ảo đối diện để đánh lừa anh, nên luồng điện của ý thức này rất mong manh. Còn tiềm thức là niềm tinh thành khẩn của tôi mỗi khi thắp nhang đứng trước bàn thờ Phật khấn nguyện, cầu bình an cho gia đình và những điều tôi đang mong ước (nếu có). Cử chỉ ấy lặp đi lặp lại hàng ngày từ nhiều năm đã tạo một ấn tượng sâu đậm trong tiềm thức tôi (và biết đâu cả vô thức nữa, do căn nguyên từ kiếp trước). Do đó luồng điện tiềm thức của tôi rất mạnh, thắng được ý thức và đã điều được ngón tay của anh vào đúng vị trí của bàn thờ Phật. Còn trường hợp bàn thờ Ông Bà thì sao? Hàng ngày tôi đều thắp nhang cả hai bàn thờ. Dù rất tôn kính tổ tiên nhưng tôi thắp nhang bàn thờ Ông Bà chỉ như một bổn phận, rồi chắp tay vái là xong. Chỉ có ngày giỗ, ngày Tết mới khấn nguyện và tưởng niệm lâu hơn. Do đó bàn thờ Ông Bà không gây được ấn tượng sâu đậm trong tiềm thức tôi như bàn thờ Phật.Trong khi đó ý thức về vị trí ảo đối diện cộng với sự tập trung tư tưởng cao độ của tôi và ý chí quyết tâm đánh gục anh đã tạo nên một luồng điện khá mạnh thắng được tiềm thức để điều được ngón tay anh vào đúng vị trí tôi muốn.

Tóm lại, muốn có tha tâm thông chỉ cần xóa đi ý thức của mình để tiềm thức và vô thức tiếp nhận luồng điện ý thức, tiềm thức và vô thức của người đối diện, qua ngón tay di động như trường hợp trên, hoặc qua tiềm thức và vô thức của chính mình như các ông đồng, bà cốt, cô hồn…nói lên những gì mà tiềm thức, vô thức họ tiếp nhận được khiến họ tự động phát thanh.
Ngoài ra, trong sự tĩnh lặng ở mức độ cao, tiềm thức và vô thức có thể là một tấm màn tinh tế ghi được cả những âm thanh và hình ảnh ngoài tần số của giác quan thông thường, thậm chí có thể là một bức màn trung gian trong suốt giữa tâm thức với vũ trụ bao la huyền diệu, xuyên qua nó, vũ trụ chân như được hiện bày. Bức màn này cũng có thể tan biến khi tâm thức hòa nhập vào vũ trụ bao la muôn màu muôn vẻ thành một thể đồng nhất, cảnh giới mà các nhà tu thiền gọi là “Niết Bàn tại thế” (nguyên lý vũ trụ đồng nhất thể).
Ở một trạng thái tĩnh lặng thích nghi, tiềm thức và vô thức có thể phát ra những làn sóng có tần số thích ứng (mà các chuyên gia gọi là sóng “alpha”)(1) có thể bắt được làn sóng năng lượng của trí tuệ vũ trụ (universal mind) tạo nên những làn sóng cộng hưởng có năng lực phi thường mà người đời thường gọi là các phép lạ. Đây là lãnh vực và đối tượng của các nhà khí công và các tín đồ đạo giáo có niềm tin cao độ, các thầy thuốc chữa bệnh nan y.
Tất nhiên để đạt được các trạng thái siêu phàm trên, ngoại trừ các nhà ngoại cảm, đòi hỏi một sự tu luyện kiên trì, đôi khi cần cả sự trì giới, và nhiều người cho rằng còn phải có hạt giống căn duyên từ kiếp trước.

Lương Y Nguyễn Hải Liên

(1) Sóng anpha có tần số trong khoảng 8-13 vib/sec, đo được bằng điện não đồ.

Kỳ sau: Vai trò của tiềm thức và vô thức trong hiện tượng thần giao cách cảm (Telepathy).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét