Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

Phân biệt các loại stress hay gặp

http://www.benhvienthongminh.com

Phân biệt các loại stress hay gặp

Bạn có biết rằng có một số loại stress tốt cho bạn không? Điều đó là sự thật. Một số loại stress có thể tốt cho bạn, nhưng một số loại rối loạn stress khác có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và đe dọa dến cuộc sống của bạn.

Stress là một trong những chức năng tự nhiên của cơ thể, nhưng hiểu biết về các loại stress khác nhau sẽ giúp bạn biết cách ứng phó tốt hơn trong cuộc sống.

Có rất nhiều loại stress được chữa trị và chẩn đoán ngày nay, nhưng có thể chia các loại stress đó thành bốn loại chính: Stress tích cực (Eustress), Stress tiêu cực (Distress), Hyperstress, Hypostress.
 

Stress tích cực (Eustress)

Đây là một trong những loại stress hữu ích. Nó xuất hiện ngay sau khi bạn có nhu cầu cần sử dụng đến sức lực thể chất của mình. Eustress chuẩn bị cơ bắp, tăng nhịp đập tim và sự tập trung tâm trí vào bất cứ tình huống mà bạn cần phải sử dụng sức mạnh cơ bắp.

Eustress cũng có thể sử dụng trong những nỗ lực sáng tạo. Khi một người cần có thêm những năng lượng để sáng tạo, Eustress giúp cho họ có được những sự kích thích/ hưng phấn cần thiết. Một vận động viên sẽ trải nghiệm một sức mạnh đến từ eustress ngay sau khi họ chơi một cuộc đấu lớn hoặc một trận đấu lớn. Do eustress, họ có thể có được ngay lập tức sức mạnh mà họ cần để thi đấu.
 
Phân biệt các loại stress hay gặp
 
Trong thế giới tự nhiên, các loài động vật có một cơ chế phản ứng được gọi là “chiến hay biến”. Khi phải đối đầu với kẻ săn mồi hoặc một mối nguy hiểm, các loài động vật sẽ phải quyết định bỏ chạy hay chống trả. Tương tự như ở động vật, khi đối mặt với nguy hiểm và thác thức cơ thể con người cũng sẽ trải nghiệm eustress. Eustress chuẩn bị cho cơ thể những năng lượng cần thiết để đánh hoặc là chạy chống khỏi mối nguy hiểm. Loại stress này sẽ giúp lượng máu dồn đến các cơ bắp để làm các cơ bắp cứng lên, nó cũng làm tăng nhịp tim và huyết áp trong máu. Nếu sự kiện hay mối nguy hiểm qua đi, cơ thể sẽ trở lại trạng thái bình thường.
 

Stress tiêu cực (Distress)

Nỗi buồn khổ là một trong những loại stress tiêu cực. Nó là một trong những loại stress mà tâm trí và cơ thể phải chịu đựng khi những thói quen thông thường phải thay đổi và điều chỉnh. Tâm trí chưa thích nghi và thoải mái với sự thay đổi này, nó vẫn có xu hướng quay lại thói quen cũ. Có hai loại distress là cấp diễn và trường diễn.
 

Stress cấp tính (Acute Stress)

Stress cấp diễn: là một loại stress xuất hiện ngay sau khi có sự thay đổi về thói quen. Nó là một loại stress mạnh mẽ, nhưng nó diễn ra rất nhanh. Stress cấp tính tạo ra những cảm giác không thoải mái và bất định. Triệu chứng của stress loại stress này thường là: đau đầu, đau lưng, đau bụng, tim đập nhanh, đau cơ hoặch đau mình.
 

Stress trường diễn (Chronic Stress)

Stress trường diễn xuất hiện khi có một sự thay đổi kéo dài trong khi cơ thể  chưa thích ứng được. Kiểu stress này thường xuất hiện khi chúng ta đi du lịch quá dài (trên 6 tháng qua nhiều nơi) hoặc ai đó liên tục thay đổi công việc hoặc chuyển nhà.

Triệu chứng của stress này gồm có: đau đầu hoặc căng thẳng kéo dài, huyết áp cao, đau nửa đầu, đau ngực và đau tim.

Hyperstress

Hyperstress là loại stress tiêu cực xuất hiện khi một người chịu áp lực quá lớn so với khả năng đảm nhận hay chịu đựng của họ. Một người làm kinh doanh trên thị trường phố Wall hay một công việc quá nặng nhọc, lao động quá giờ liên tục sẽ gây ra cho người làm gặp phải loại stress này.

Một người trải nghiệm hyperstress sẽ thường phản ứng với một sự kiện không căng thẳng lắm với một cảm xúc thái quá. Đây là loại stress rất cần nhận biết vì nó có thể gây ra những hậu quả nghiệm trọng về cảm xúc cũng như thể chất. 
 

Hypostress

Hypostress là loại stress đối ngược với với hyperstress. Hypostress xuất hiện khi cá nhân cảm thấy rất chán nản và nhàm chán hoặc không có thử thách gì trong cuộc sống. Nếu bạn cùng một việc hàng ngày, tại cùng một nơi, luôn gặp những người cũ, làm mãi một công việc không thay đổi, những nhiệm vụ được lặp đi lặp lại, bạn sẽ gặp phải loại stress này. Ảnh hưởng của loại này là cảm giác nhàm chán và đơn điệu cũng như thiếu động lực làm việc.
 

 

Các cách ứng phó với stress:

Stress là một phần tự nhiên trong cuộc sống, thỉnh thoảng, giống như trong trường hợp với eustress, stress có thể có ích và lành mạnh đối với cơ thể. Tuy nhiên, khi căng thẳng vượt quá khỏi sự kiểm soát và bắt đầu gây ra những vấn đề về cảm xúc và thể chất, stress cần được kiểm soát lại. Cách tốt nhất để ứng phó với căng thẳng là gạt bỏ đi những nguyên nhân gây ra căng thẳng. Nếu công việc gây ra cho bạn quá nhiều căng thẳng, hãy cân nhắc khả năng thay đổi việc.

Có rất nhiều cách ứng phó với stress. Rất quan trọng đối với bạn để học cách để đánh giá stress và nhận ra khi mọi chuyện ra ngoài tầm kiểm soát. Khi stress vượt quá giới hạn, tìm kiếm những cách để giải tỏa stress là rất quan trọng. Sau đây là một số cách thức ứng phó với căng thẳng:

 · Xác định thời gian ngủ trong một ngày và duy trì một giấc ngủ đều đặn về thời gian cũng như số lượng. 

 · Nghỉ hoặc thay đổi hoạt động nếu có thể khi đang ở trong tình huống gây căng thẳng.

 · Nói không thường xuyên hơn với những với những nghĩa vụ và bổn phận không thực sự cần thiết.

 · Tránh đưa ra những quyết định lớn trong thời gian bạn đang gặp căng thẳng.

 · Có một chế độ ăn khỏe mạnh với ít đường và nhiều chất sơ.

 · Tập thể dục ba lần mỗi tuần với ít nhất là 20 phút một lần.

 · Dành thời gian nghỉ ngơi tránh xa khỏi công việc hoặc tình huống gây căng thẳng.

Bạn cũng có thể đối phó với căng thẳng bằng cách tìm đến sự giúp đỡ chuyên nghiệp về tham vấn và trị liệu tâm lý. Trị liệu nhận thức hành vi có thể giúp bạn đối phó với những cảm xúc tiêu cực bạn có trong tình huống stress như tức giận hoặc lo hãi. Bạn sẽ học được cách kiểm soát cảm xúc và hành động của mình thông qua việc kiểm soát suy nghĩ.
 
Theo An Việt - SHARE
 

BÌNH LUẬN


XEM TIẾP

Những ảnh hưởng của stress đến con người

 

Ảnh hưởng đến não

Mất ngủ thường xuyên do stress gây ra là nguyên nhân khiến não trở nên kém linh họat, minh mẫn, thậm chí có nguy cơ bị tổn thương nghiêm trọng. Theo các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu giấc ngủ ở Úc, chỉ cần không chợp mắt trong khoảng 20 giờ liên tiếp, mức độ linh hoạt và khả năng kiểm soát của não sẽ bị thuyên giảm tương đương với việc nồng độ cồn trong máu tăng hơn mức bình thường 50%.
 

 

Ảnh hưởng đến tim

Khi bị stress, cơ thể thường giải phóng một lượng lớn hormone cortisol, góp phần làm xuất hiện bệnh cao huyết áp, béo phì và tiểu đường. Ngoài ra, stress còn là nguyên nhân khiến tinh thần ủ rũ, lười vận động, nếu ai có thói quen dùng nhiều đường và mỡ động vật thì nguy cơ mắc các bệnh tim mạch là rất khó tránh khỏi
 

Ảnh hưởng đến phổi

Ngoài cortisol, stress còn kích thích tuyến thượng thận giải phóng hormone adrenaline. Khi lượng hormone này tăng cao thì hơi thở thường trở nên gấp gáp, không sâu. Điều này giải thích tại sao các nhà tâm lý khuyên mọi người nên giữ bình tĩnh mỗi khi gặp căng thẳng hay lo âu bằng cách cố gắng hít thở thật sâu và đều đặn. Người bị stress nếu đã mắc bệnh suyễn hoặc các bệnh khác về đường hô hấp thì bệnh tình sẽ trở nên tồi tệ hơn.


Ảnh hưởng đến mắt

Dễ dàng nhận thấy mệt mỏi, căng thẳng luôn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chứng mất ngủ. Khi mất ngủ, bên cạnh một số biểu hiện thường thấy như thần sắc kém tươi tỉnh, da thô ráp, cơ thể suy nhược…, thì tình trạng mắt mệt mỏi, thâm quầng hoặc sưng đỏ cũng rất dễ xảy ra. Mất ngủ lâu ngày thậm chí còn có thể làm giảm thị lực cũng như gây thêm nhiều căn bệnh nguy hiểm khác về mắt.
 

Ảnh hưởng đến da

Theo các nhà khoa học tại Trường Đại học Freedom ở Berlin, một trong những tác hại chính của stress đối với da là kích thích các tuyến nhờn hoạt động mạnh, khiến da trở nên kém mịn màng, nhanh lão hóa và dễ nổi mụn, có khi còn làm xuất hiện các bệnh nguy hiểm khác như chàm bội nhiễm, vảy nến…
 

Ảnh hưởng đến lưng, cổ

Ngoài tác hại làm hơi thở trở nên gấp gáp, hormone adrenaline còn khiến cơ bắp dễ căng cứng, mệt mỏi. Điều này giải thích tại sao lưng, cổ dễ bị đơ hoặc đau nhức khi tinh thần căng thẳng, suy nhược. Các nhà khoa học cho rằng stress không những khiến chúng ta lười vận động mà còn có khuynh hướng nằm, ngồi, đi, đứng…không hợp lý, càng thêm mỏi mệt.

Những ảnh hưởng của stress đến con người


Ảnh hưởng đến dạ dày

Khi bị stress, những loại hormone có tác dụng tăng cường lưu lượng máu đến các cơ trên cơ thể sẽ thuyên giảm rõ rệt, hậu quả là sức vận động cũng như sự co bóp của chúng bị giới hạn hoặc yếu đi, trong đó có dạ dày, dẫn đến tình trạng khó tiêu, đầy hơi và chướng bụng.


Ảnh hưởng đến răng miệng

Khi tinh thần suy sụp, căng thẳng, họat động của hệ miễn dịch trở nên kém hiệu quả, nguy cơ nổi mụn nhiệt (còn gọi là đẹn) ở vòm miệng, nướu, lợi, lưỡi…sẽ rất cao.
 

Ảnh hưởng đến đầu

Stress là một trong những nguyên nhân chính khiến đầu óc dễ choáng váng, mệt mỏi, kể cả chứng đau đầu kinh niên. Nguy cơ này sẽ cao hơn nếu lưng và cổ bị tổn thương trong khi stress hành hạ.
 

Ảnh hưởng đến chất lượng sống

Tác hại cuối cùng, cũng chính là tác hại dai dẳng nhất của stress là ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần. Nếu không có biện pháp chế ngự kịp thời, stress sẽ từng bước làm thui chột khả năng tư duy, trí nhớ, khả năng tự kiểm soát, phán đoán…của người bệnh, đồng thời dễ làm mất đi niềm tin vào cuộc sống, cướp mất nghị lực, ý chí vươn lên.
 
Theo Tạp chí Medical của Hoa Kỳ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét